Nếu dự luật được thông qua, "Luật trừng phạt ở biển Đông và biển Hoa Đông" sẽ cho phép chính quyền Mỹ tịch thu các tài sản tài chính ở Mỹ của các đối tượng bị trừng phạt, thu hồi hoặc từ chối cấp thị thực cho bất kỳ ai dính líu đến các hoạt động hoặc các chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại các khu vực thuộc biển Đông.
Dự luật yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ báo cáo quốc hội mỗi 6 tháng, xác định bất kỳ cá nhân hoặc công ty Trung Quốc nào dính líu đến việc xây dựng hoặc phát triển các dự án bất hợp pháp ở biển Đông. Các hoạt động trái phép được đề cập trong dự luật gồm cải tạo đất, xây đảo nhân tạo, xây hải đăng và cơ sở hạ tầng liên lạc di động.
Tàu Mỹ, Philippines, Nhật Bản và Ấn Độ tập trận ở biển Đông hồi đầu tháng này. Ảnh : SCMP
Theo dự luật, bất kỳ ai đồng lõa hoặc dính líu các hoạt động đe dọa sự hòa bình, an ninh và ổn định của các khu vực này hoặc các khu vực ở biển Hoa Đông thuộc chủ quyền Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ là đối tượng bị trừng phạt.
Dự luật trên từng được đề xuất hồi năm 2017 nhưng Ủy ban Đối ngoại Thượng viện chưa trình lên thượng viện để được xem xét thông qua trước khi được đưa đến bàn tổng thống ký ban hành luật.
Sự kỳ vọng về việc dự luật lần này được thông qua tăng cao khi ngày càng nhiều nghị sĩ Mỹ ủng hộ động thái cứng rắn chống lại Trung Quốc.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng nếu dự luật có được sự ủng hộ mạnh của thượng viện thì có thể hạ viện sẽ nhượng bộ.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một trong những người đề xuất dự luật nói trên, cho hay dự luật tăng cường nỗ lực của Mỹ và đồng minh trong việc đối phó hành vi nguy hiểm và trái pháp luật của Trung Quốc khi nước này quân sự hóa các vùng tranh chấp ở biển Đông. Theo ông, dự luật cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ duy trì đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.
Bình luận (0)