Toàn cầu có hơn 2,9 triệu người nhiễm
Tính tới ngày 26-4, toàn cầu ghi nhận hơn 2,9 triệu ca mắc Covid-19, trong khi số người tử vong đã vượt mốc 200.000. Theo hãng tin Reuters, số ca tử vong thực tế còn được cho là cao hơn rất nhiều so với con số được ghi nhận, do nhiều nước không tính người chết tại các viện dưỡng lão và những nơi khác ngoài bệnh viện vào số liệu chính thức.
Tổng số ca tử vong ở cả Mỹ, Tây Ban Nha và Ý (3 quốc gia bị đại dịch hoành hành khốc liệt nhất trên thế giới) chiếm hơn một nửa trong số 200.000 người chết vì Covid-19. Mỹ vẫn là "tâm dịch" của thế giới với hơn 54.200 ca tử vong tính tới ngày 26-4; trong khi con số này ở Ý, Tây Ban Nha và Pháp nằm trong khoảng 22.500 - 27.000.
Tình hình dịch bệnh tại Anh có chiều hướng xấu đi. Bộ Nội vụ Anh đánh giá là "thảm kịch" khi số ca tử vong tại nước này đã hơn 20.000 người, tính đến ngày 26-4. Châu Âu là lục địa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 122.100 người chết. Khu vực Mỹ Latin ghi nhận hơn 7.000 ca tử vong, trong khi Trung Đông hơn 8.800 và châu Phi hơn 1.370 người.
Tại châu Á, hơn 16.900 người đã tử vong vì Covid-19. So với các nước trong khu vực, số ca mắc mới trong ngày 26-4 tại Singapore và Philippines cao hơn, lần lượt là 931 và 285. Số ca mắc tại Singapore đang tăng mạnh những ngày gần đây và ca mắc mới đa số là lao động nhập cư tại các khu vực ký túc xá công nhân.
Lãnh đạo chính phủ Chile nhận đơn hàng máy trợ thở ở sân bay Santiago hôm 25-4. Nước này bắt đầu trao “hộ chiếu miễn dịch” cho những người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh. Ảnh: REUTERS
"Hộ chiếu miễn dịch" làm gia tăng nguy cơ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về ý tưởng "hộ chiếu miễn dịch", trong đó lưu ý hiện không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy những bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục sức khỏe và có kháng thể sẽ không thể tái nhiễm virus SARS-CoV-2.
Khái niệm "hộ chiếu miễn dịch" hoặc "chứng nhận không có rủi ro" được nêu lên như phương thức cho phép những người đã được bảo vệ khỏi tái mắc Covid-19 có thể trở lại làm việc. Tuy nhiên, trong thông cáo khoa học công bố ngày 25-4, WHO khuyến cáo chính phủ các nước không cấp "hộ chiếu miễn dịch" hoặc "không có nguy cơ" cho những người từng mắc Covid-19 vì không thể bảo đảm chắc chắn điều này.
WHO cho rằng việc làm này có thể làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan vì những người đã khỏi bệnh có thể phớt lờ các khuyến cáo phòng dịch. Theo WHO, chính phủ một số nước đã đề xuất rằng việc phát hiện kháng thể đối với virus SARS-CoV-2 gây ra Covid-19 ở một người có thể coi là cơ sở để cấp "hộ chiếu miễn dịch" hoặc chứng nhận "thoát nguy cơ nhiễm". Theo đó, những người được chứng nhận có thể di chuyển hoặc trở lại làm việc vì cho rằng họ sẽ không tái nhiễm.
Tuyên bố của WHO được đưa ra sau khi chính phủ Chile tuyên bố sẽ bắt đầu trao "hộ chiếu miễn dịch" cho những người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh. Trong khi đó, Đức cũng xem xét cấp "hộ chiếu miễn dịch" cho những nhân viên y tế mắc Covid-19 đã được điều trị khỏi nhằm giúp họ được miễn trừ việc cách ly và các hạn chế khác.
Các chuyên gia y tế cảnh báo không nên có hành động quá vội cấp "hộ chiếu miễn dịch", bởi những thông tin về khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 còn tương đối ít. Đơn cử như Hàn Quốc, đến nay, nước này ghi nhận 207 trường hợp tái nhiễm, dù bệnh nhân trước đó được kết luận là bình phục.
Bình luận (0)