Trong thông điệp đầu tiên trên mạng xã hội Twitter năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi Pakistan là "dối trá và lừa đảo". Ấn Độ không khỏi hả hê khi chứng kiến ông Trump chỉ trích Pakistan thất bại trong cuộc chiến chống lại khủng bố và chính quyền Mỹ sau đó thông báo đóng băng nhiều triệu USD hỗ trợ an ninh cho Islamabad.
Thực tế là hành động chỉ trích công khai Pakistan và thậm chí cắt giảm viện trợ an ninh chỉ tác động rất ít đến nước này. Pakistan vẫn tự mãn rằng Washington cuối cùng sẽ quay lại nhờ họ hỗ trợ trong việc dọn dẹp mớ hỗn độn ở Afghanistan. Giữ lại viện trợ hàng triệu USD trong vài năm không có mấy tác dụng trong khi điều cần làm là nhổ tận gốc những hệ thống hỗ trợ khủng bố bên trong Pakistan.
Người dân Pakistan phản đối chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại TP Karachi hôm 2-1 Ảnh: AP
Bộ Ngoại giao Ấn Độ tránh đưa ra những bình luận vội vàng về tuyên bố của ông Donald Trump trên mạng Twitter. Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ nhận thấy trong khi những tuyên bố cứng rắn của ông Trump gây ấn tượng về sự thay đổi chính sách đáng kể lần đầu tiên, thực tế là viện trợ quân sự của Mỹ cho Pakistan đã bị thu hẹp lại vài lần trước đây.
Lần gần đây nhất là trong những năm ông Barack Obama nắm quyền. Hồi năm 2011, chính quyền ông Obama đã hoãn khoản viện trợ quân sự trị giá 800 triệu USD 2 tháng sau khi lực lượng đặc nhiệm SEAL thuộc Hải quân Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden trong một khu dân cư chỉ cách thủ đô Islamabad - Pakistan 3 giờ di chuyển.
Đến năm 2015, Quỹ Hỗ trợ Liên minh của Lầu Năm Góc ra điều kiện chỉ viện trợ 300 triệu USD cho Pakistan nếu nước này chống lại mạng lưới khủng bố Haqqani ở Afghanistan. Cơ quan tình báo chính của Pakistan (Inter-Services Intelligence - ISI) từ lâu bị cáo buộc bảo trợ và bảo vệ cho nhóm này. Thẳng thắn mà nói những động thái trên hoàn toàn không có hiệu quả.
Đã xuất hiện những lời kêu gọi người Mỹ cần ngừng xem Pakistan như một đồng minh. Lý do là Islamabad hỗ trợ phong trào Taliban, nhóm đang sát hại binh sĩ Mỹ và các đồng minh của Washington ở Afghanistan. Ngoài ra, nhóm Taliban ở Afghanistan không còn nơi ẩn náu an toàn nào khác ngoài TP Quetta ở Pakistan.
Lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Pakistan cũng có thể tác động đến cuộc chiến ủy nhiệm Mỹ - Trung Quốc ở châu Á trong bối cảnh Islamabad đang xích lại gần Bắc Kinh hơn. Ngay sau khi ông Trump đăng thông điệp chỉ trích trên Twitter, Ngân hàng Trung ương Pakistan đã bật đèn xanh cho việc sử dụng đồng nhân dân tệ, thay vì USD, trong thương mại song phương với Trung Quốc.
Bắc Kinh đang chi hơn 60 tỉ USD vào đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng, dẫn đến nghi vấn liệu Pakistan có phụ thuộc Trung Quốc hay không. Quan trọng hơn là câu hỏi liệu việc Mỹ cắt viện trợ cho quân đội Pakistan có dẫn đến thay đổi đáng kể nào?
Cách Pakistan phản ứng với những đe dọa của ông Trump phụ thuộc vào việc Mỹ có sẵn sàng tiếp tục duy trì hiện diện ở Afghanistan hoặc thay đổi căn cơ chính sách của mình hay không.
Mỹ sẽ phải chấm dứt dựa vào Pakistan như là tuyến đường tiếp tế chính của NATO sang Afghanistan. Thay vào đó, Washington sử dụng tuyến đường phía Bắc thông qua Trung Á vốn đắt đỏ và phức tạp hơn hoặc chi nhiều hơn cho các chuyến bay vận chuyển hàng tiếp tế. Mỹ cũng sẽ phải nỗ lực hơn nữa để đưa phong trào Taliban ở Afghanistan vào bàn đàm phán. Một cuộc chiến kéo dài tại Afghanistan hoặc việc Mỹ bỏ mặc nước này sẽ chỉ khiến Pakistan thờ ơ với lời đe dọa của ông Trump.
Mỹ cũng cần sử dụng đòn bẩy của mình để tăng cường vai trò lãnh đạo dân sự của Pakistan. Cựu thủ tướng Nawaz Sharif vừa kêu gọi Pakistan suy nghĩ về việc nước này thiếu uy tín trên trường quốc tế, nhắc nhở người dân rằng ông đã yêu cầu các chỉ huy quân sự cô lập các tay súng cực đoan. Tuy nhiên, những lãnh đạo dân sự được bầu chọn ở Pakistan chưa bao giờ có thể kiểm soát được các chính sách an ninh của đất nước. Theo quan điểm của Ấn Độ, trong khi các hành động của ông Donald Trump có lợi cho quan hệ ngoại giao với New Delhi, điều rõ ràng là Mỹ làm điều này vì lợi ích của chính mình, chứ không phải nỗi lo về sự bảo trợ của Pakistan đối với các nhóm khủng bố ở Kashmir.
Vào tháng 11 năm ngoái, các nhà lập pháp Mỹ đã bỏ một điều khoản, theo đó, ràng buộc viện trợ cho Pakistan với cuộc trấn áp Lashkar-e-Taiba, nhóm khủng bố chịu trách nhiệm hàng loạt vụ tấn công ở Ấn Độ (trong đó có vụ tấn công vào tháng 11-2008 ở TP Mumbai). Dự luật được thông qua này vẫn giữ lại điều khoản liên kết viện trợ của Mỹ với việc Pakistan kiềm chế mạng lưới Haqqani ở Afghanistan.
Việc cho phép Pakistan để yên một số nhóm khủng bố trong khi mong đợi nước này hành động chống lại các nhóm khác là điều mâu thuẫn trong chính sách của Mỹ. Phát ngôn của ông Donald Trump trên mạng Twitter phơi bày tiêu chuẩn kép của Pakistan đối với chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, chính Mỹ cũng cần phải xem xét lại mình về vấn đề này.
Bình luận (0)