Đây được dự báo là cuộc chiến lâu dài và London sẽ cần đến mọi bạn bè, đồng minh nếu muốn đánh bại đối thủ. Dù vậy, hiện chưa rõ sự ủng hộ chân thành, đầy đủ và kịp thời có đến với nước Anh khi cần hay không.
Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây lâu nay vẫn lo ngại việc quá cứng rắn với Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể dẫn đến đối đầu quân sự. Ngoài ra, còn có những cân nhắc chiến lược, ngoại giao thường thấy: Nga có vai trò ảnh hưởng trong những vấn đề quốc tế, như Triều Tiên và Iran. Bên cạnh đó là những lợi ích kinh doanh, thương mại quan trọng không thể bỏ qua. Nước Đức đang phụ thuộc vào năng lượng từ Nga trong lúc nhiều người ở Ý muốn Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ trừng phạt liên quan đến chuyện Moscow sáp nhập bán đảo Crimea.
Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Nga Vladimir Putin Ảnh: TASS
Vì thế, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trấn an bà May về sự hậu thuẫn mạnh mẽ của mình, nhà lãnh đạo Anh không nên quá tin vào những lời nói này. Ông Trump nói rất nhiều nhưng những gì ông làm hoặc không làm, quan trọng hơn nhiều.
Việc huy động bạn bè, đối tác tham gia liên minh đối phó Nga là nhiệm vụ không dễ dàng đối với bà May. Tình hình càng thêm khó khăn vì câu chuyện Brexit (Anh rời khỏi EU). Sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng sự ra đi không mấy thân thiện của Anh không tác động đến sự hợp tác giữa nước này và EU trong những vụ việc như thế.
Lẽ tự nhiên, châu Âu thấy khó chịu vì những gì xảy ra ở Salisbury. Tuy nhiên, việc bạn bè, đồng minh chịu làm điều gì đó thiết thực để giúp người Anh lại là chuyện khác, nhất là khi an ninh quốc gia của họ có thể bị tổn hại.
Bình luận (0)