Trung Quốc hiện có 6 nhà máy điện hạt nhân và đang xây 27 lò phản ứng mới. Ông Lưu Thiên An, Cục trưởng Cục Năng lượng Quốc gia, đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan phân tích kỹ những gì đang xảy ra ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1 tại Nhật Bản để rút kinh nghiệm.
Trong lúc người Đức muốn từ bỏ điện hạt nhân, nước Úc mới đây tuyên bố không cần năng lượng hạt nhân và Chính phủ Venezuela hạ lệnh đình chỉ một công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tại sao Trung Quốc vẫn tin vào tương lai của năng lượng hạt nhân vị nhân sinh?
Thật ra, Trung Quốc không phải là nước đơn độc cương quyết theo đuổi điện hạt nhân, coi nó như một nguồn năng lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn trong nước. Tại châu Âu, Ba Lan xác định thảm họa hạt nhân ở Nhật không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch xây dựng các lò phản ứng mới. Nga, Mỹ cũng tuyên bố tin tưởng vào tương lai của điện hạt nhân.
Đáp ứng ba yêu cầu bức thiết
Vì sao điện hạt nhân hấp dẫn ? Ông Christophe Behar, giám đốc năng lượng hạt nhân thuộc Ủy ban Năng lượng Hạt nhân Pháp, lưu ý rằng hiện nay, người ta sản xuất điện hạt nhân để đáp ứng ba yêu cầu bức thiết của các quốc gia, không phân biệt giàu nghèo.
Nếu không thay đổi chính sách, nhiên liệu truyền thống cho nhà máy điện là than, dầu thô và khí đốt sẽ tiếp tục gia tăng và thải ra một lượng khí độc CO2 khổng lồ trong bầu không khí, tạo hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu với những hệ quả khủng khiếp (lũ lụt, khô hạn, siêu bão, giá rét trái mùa). Thêm nữa, các nguồn dự trữ khoáng sản kể trên có hạn. Theo “sách đỏ” của OCDE (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), than sẽ cạn kiệt sau 120 năm, khí đốt sẽ không còn sau 63 năm và dầu thô chỉ còn khai thác được 46 năm. Trong khi đó, phải 100 năm nữa mới cạn nguồn uranium, nhiên liệu của năng lượng hạt nhân.
Yêu cầu bức thiết bây giờ là phát triển nguồn năng lượng ít gây ô nhiễm nhất, tức ít khí thải CO2 nhất. Xét tất cả các loại nhà máy điện chạy bằng than, dầu hay khí đốt thì điện hạt nhân được coi là sạch nhất, chỉ thua thủy điện, điện gió và điện mặt trời. Chính vì vậy mà điện hạt nhân được coi là giải pháp tốt nhất.
Chuyên gia Christophe Behar đánh giá rằng một chính sách năng lượng kéo dài ít nhất 30-40 năm. Trong khoảng thời gian đó, theo ông, không có loại điện nào có nhiều ưu điểm bằng điện hạt nhân, rẻ hơn gấp 2,5 lần so với điện gió và 5 lần so với điện mặt trời. Hơn nữa, hai loại điện này khó đạt công suất lớn.
Tất nhiên, rẻ nhất và sạch nhất là thủy điện nhưng hạn chế của loại điện này cũng khá lớn vì không có nhiều địa điểm thích hợp. Cuối cùng, điện hạt nhân là giải pháp tốt nhất để đối phó với giá cả dầu khí không ổn định và có chiều hướng tăng chứ không giảm.
Không chết, chỉ chậm lại
Từ sự cố Fukushima 1, câu hỏi then chốt đặt ra là có phải công nghệ điện hạt nhân quá nguy hiểm để áp dụng đại trà? Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1 tròn 40 tuổi, dùng các lò phản ứng thế hệ 2 trong khi hiện nay, các lò phản ứng hiện đại thuộc thế hệ mới an toàn hơn. Nó sắp “về hưu” thì gặp nạn. Đáng chú ý là nhà máy được thiết kế chống động đất đạt tiêu chuẩn quốc tế 8,2 độ Richter nhưng đã đứng vững trong trận động đất mạnh 9 độ Richter.
Khủng hoảng hạt nhân ở Nhật đã giáng một đòn chí tử vào sự hồi sinh của năng lượng hạt nhân. Hàng loạt nước trên thế giới, trong đó có hai siêu cường hạt nhân Mỹ và Nga, tạm ngưng các dự án mới chờ rà soát lại độ an toàn của các lò phản ứng để trấn an lòng dân. Tuy nhiên, rất nhiều nước tuyên bố vẫn tiếp tục chương trình điện hạt nhân vì nhu cầu phát triển đất nước.
Bình luận (0)