Cả hai thảm họa hạt nhân trong quá khứ (Three Mile Island ở Mỹ và Chernobyl ở Ukraine) đều do lỗi con người với hậu quả là các lõi lò phản ứng hạt nhân bị nóng chảy, làm rò rỉ phóng xạ trong không khí và nước, chủ yếu là đồng vị phóng xạ iodine 131 (có khả năng gây bệnh ung thư tuyến giáp) và cesium 137.
Nhà máy Fukushima số 1 xây gần biển, có đê chắn sóng biển kiên cố nhưng không ngăn nổi sóng thần. Nước biển tràn vào nhà máy lúc 14 giờ 46 phút, giờ Nhật Bản. Chỉ 2 phút sau, hệ thống kiểm soát tự động ngắt máy 3 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy đang chạy trong tổng số 6 lò.
Phản ứng dây chuyền bị ngưng đột ngột, các lõi lò phản ứng vẫn còn phát nhiệt rất lớn do tích lũy nhiệt năng sau nhiều năm. Nhiều biện pháp giải nhiệt, trong đó có việc bơm nước biển vào, đã được áp dụng để tránh cháy nổ nhưng lực bất tòng tâm do nhiều nguyên nhân khách quan. Các vụ cháy nổ trong mấy ngày qua ở nhà máy này đã làm rò rỉ một lượng phóng xạ khá nghiêm trọng.
Các lò phản ứng ở Fukushima số 1 được xếp vào loại “di tích lịch sử” bởi có tuổi thọ 40 năm - tuổi đáng lẽ phải “về hưu”. Do xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới rất đắt tiền và khó thuyết phục về mặt chính trị, Chính phủ Nhật chọn giải pháp kéo dài tuổi thọ của nhà máy. Không riêng gì Nhật Bản, chính phủ nhiều nước khác cũng làm như vậy.
Chẳng hạn, nước Mỹ đã kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện nguyên tử đến tuổi về hưu (40 năm) thêm 20 năm. Ở châu Âu, Quốc hội Đức thời Thủ tướng Gerhard Schroder cũng đã chấp thuận kéo dài tuổi thọ của 17 nhà máy điện hạt nhân. Giờ đây, sự kiện Fukushima số 1 cho thấy giải pháp này trở thành một trò chơi vô cùng nguy hiểm.
Bài học sóng thần năm 2004
Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 xây sát bờ biển, cách thành phố Sendai 50 km. Trận động đất gây siêu sóng thần hôm 11-3 đã gần như xóa sổ thành phố này.
Các chuyên gia hạt nhân không phải không biết đến điểm yếu chết người đó. Cuối năm 2004, trận động đất lớn ở Indonesia gây sóng thần tàn phá các nước ven bờ Ấn Độ Dương là một bài học nhãn tiền, cảnh báo đanh thép các nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân.
Tại Ấn Độ, sóng thần đã tràn vào hệ thống làm mát của nhà máy điện hạt nhân ở Madras. Người ta đã dập lò phản ứng kịp thời cho nên không xảy ra thảm họa hạt nhân. Sóng thần cũng tràn vào công trường xây dựng một lò phản ứng tái sinh sản xuất chất liệu plutonium.
Tuy nhiên, nhà đầu tư dự án nói trên hình như không học được điều gì từ thảm họa sóng thần năm 2004. Sau khi nước rút, người ta vẫn tiếp tục xây dựng lò phản ứng ngay tại địa điểm đó.
Khía cạnh tích cực nhất từ thảm họa sóng thần nói trên là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thành lập Trung tâm An toàn Động đất Quốc tế vào năm 2009.
Trận động đất kèm siêu sóng thần hôm 11-3 đe dọa sự an toàn của Nhà máy Fukushima số 1 không phải là lần đầu tiên. Năm 2007, từng xảy ra một trận động đất 6,8 độ Richter làm rung chuyển bờ biển phía Tây.
Điều đáng nói là vụ động đất kể trên mạnh gấp 2,5 lần mức chịu đựng động đất của Nhà máy Điện Kashiwasaki-Kariwa. Tức là vượt quá mức tưởng tượng của các kỹ sư thiết kế lò.
Kỳ tới: Tranh luận gay gắt ở châu Âu
Bình luận (0)