Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban phân bổ ngân sách Thượng viện, tướng Alexander cho rằng những chương trình này đã giúp đập tan hàng chục âm mưu tấn công khủng bố. Ông khẳng định: “Đây là chương trình mật nhưng nó đã giúp ngăn chặn hàng chục vụ khủng bố”.
Ngoài ra, trong nỗ lực xoa dịu những nỗi lo về tình pháp lý của chương trình, ông Alexander khẳng định chương trình hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của ngành lập pháp và tư pháp. Theo ông, NSA đang làm chính xác những gì được quốc hội cho phép sau sự kiện khủng bố 11-9-2001. Ông cho biết thêm rằng NSA “không có gì phải che giấu” đồng thời kêu gọi “sự tin tưởng” của người dân để cơ quan này có thể làm tốt công việc của mình.
Tướng Keith Alexander điều trần trước Ủy ban phân bổ ngân sách thượng viện hôm 12-6
Ảnh: The New York Times
Mặt khác, ông Alexander hoan nghênh cuộc tranh luận về tính pháp lý của chương trình bởi “những gì họ đang làm là bảo vệ công dân Mỹ”. Vì thế, ông cho hay đang tìm cách giải mật thêm về PRISM nhưng khẳng định nhiều chi tiết sẽ không được tiết lộ. "Nếu tiết lộ các chi tiết trên thì bọn khủng bố sẽ biết về cách thu thập thông tin của NSA và người Mỹ sẽ chết" - ông nhấn mạnh.
Theo kế hoạch ban đầu, phiên điều này tập trung vào kế hoạch chi tiêu 13 tỉ USD cho an ninh mạng của chính phủ nhưng đã bị bao trùm bởi những tranh cãi liên quan đến các chương trình theo dõi của NSA. Cũng tại phiên điều trần, bà Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban Tình báo thượng viện, tiết lộ các nhà điều tra đã sử dụng cơ sở dữ liệu thu thập được cho những mục đích bên ngoài việc chống khủng bố, như chương trình hạt nhân Iran, nhưng phải có lệnh của tòa án.
Phiên điều trần trên diễn ra giữa lúc nỗi lo về các chương trình theo dõi của NSA đang lan rộng, nhất là tại châu Âu. Bà Viviane Reding, Cao ủy tư pháp Liên minh châu Âu, đã viết thư cho bộ trưởng tư pháp Mỹ để yêu cầu giải thích. Trong lá thư, bà Reding cũng bày tỏ những lo ngại sâu sắc về khả năng nhà chức trách Mỹ đã tiếp cận dữ liệu của công dân châu Âu.
Châu Á cũng sốt ruột không kém. Các quan chức một số chính phủ châu lục này từng gửi nhiều thông tin nhạy cảm và tài liệu chính sách thông qua những dịch vụ e-mail của các công ty Mỹ. Họ lo ngại rằng những thông tin này có thể đã bị giám sát và thu thập bởi NSA.
Bình luận (0)