Hãng tin Reuters dẫn lời nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan dự báo biến thể Omicron có thể trở thành chủng trội trên toàn cầu vì mức độ lây nhiễm cao.
Ông Mike Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, hôm 3-12 cho biết có thể mất 2 tuần để chứng kiến tỉ lệ tử vong liên quan đến Omicron tăng lên nếu biến thể này gây bệnh nặng.
Chưa ghi nhận ca tử vong liên quan Omicron
Theo ông Ryan, những loại vắc-xin hiệu quả cao vẫn đang phát huy tác dụng và các nước cần tập trung vào việc phân phối một cách công bằng hơn. WHO lập luận sự kết hợp giữa tình trạng tiêm phòng vắc-xin còn thấp và tỉ lệ xét nghiệm chưa cao đã tạo nên mảnh đất màu mỡ cho biến thể mới xuất hiện.
Nhiều nhà khoa học cho rằng cách ngăn chặn dịch bệnh lây lan là bảo đảm các nước nghèo được tiếp cận vắc-xin chứ không phải đẩy mạnh việc tiêm liều tăng cường ở các nước giàu. Hiện chưa tới 7% dân số ở những nước có thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin.
WHO cho biết chưa ghi nhận bất cứ ca tử vong nào do nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier cũng không loại trừ kịch bản các nhà sản xuất vắc-xin nên chuẩn bị cho khả năng điều chỉnh vắc-xin chống biến thể mới.
Trong khi các nhà nghiên cứu vẫn đang gấp rút tìm hiểu mức độ nguy hiểm của Omicron thì tốc độ lây nhiễm của biến thể này đang gây lo ngại khi số ca mắc Covid-19 ở Nam Phi đã tăng gần 4 lần chỉ trong 4 ngày qua. Hôm 3-12, Nam Phi ghi nhận 16.055 ca mắc, tăng từ mức 4.373 ca hôm 30-11. Viện Quốc gia Nam Phi về các bệnh truyền nhiễm (NICD) cho hay một số ca mắc biến thể Omicron mới là những người từng là bệnh nhân Covid-19 trước đó.
Người dân được kiểm tra nhiệt độ trước khi lên xe buýt trở về Malaysia tại một trạm xe buýt ở Singapore hôm 29-11 Ảnh: Reuters
Trong khi đó, theo Bộ Y tế Singapore (MOH), hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy các triệu chứng liên quan đến biến thể Omicron khác hoặc nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước cũng như các loại vắc-xin và phương pháp điều trị hiện tại không hiệu quả đối với biến thể mới. Bộ Y tế Singapore cho rằng cần có thêm dữ liệu và các nghiên cứu sâu hơn về biến thể Omicron.
Nhằm ngăn chặn biến thể mới lây lan, giới chức Hàn Quốc hôm 3-12 thông báo siết chặt quy định phòng dịch. Theo đó, từ ngày 6-12 tới, người dân phải xuất trình chứng nhận tiêm phòng trước khi vào nhà hàng, rạp chiếu phim và các không gian công cộng khác.
Hàn Quốc có động thái thận trọng nói trên sau khi Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) hôm 4-12 ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do dịch Covid-19 trong ngày cao kỷ lục, lần lượt là 5.352 và 70 ca, trong đó có 9 ca nhiễm biến thể Omicron.
Theo hãng tin Reuters, Hàn Quốc cũng quy định số người được phép tụ tập bị hạn chế từ 10 người còn 6 người ở thủ đô Seoul và từ 12 người xuống còn 6 người ở ngoại ô. Quy định mới cũng yêu cầu cách ly bắt buộc 10 ngày đối với bất cứ ai nhập cảnh trong 2 tuần tới, kể cả người đã tiêm phòng đầy đủ.
Hàn Quốc đang đối mặt với làn sóng dịch tồi tệ nhất kéo dài từ tháng 7, thời điểm số ca nhiễm mới ở dưới ngưỡng 2.000 ca/ngày trước khi chính phủ chuyển sang chiến lược sống chung với Covid-19. Trong tuần này, số ca mắc mới ở Hàn Quốc lần đầu tiên tăng lên mức 5.000 ca/ngày, gây áp lực lên hệ thống y tế bất chấp 91,7% dân số trưởng thành tiêm phòng đầy đủ.
Hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Nga hiện chưa ghi nhận ca mắc biến thể Omicron nhưng Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu chính phủ lên kế hoạch hành động đối phó biến thể mới sau khi cơ quan thống kê Nga hôm 3-12 ghi nhận gần 75.000 ca tử vong do dịch Covid-19 trong tháng 10. Ít nhất 74.893 người thiệt mạng vì Covid-19 hoặc các nguyên nhân liên quan trong tháng 10, vượt mức đỉnh 51.044 ca hồi tháng 7.
Dữ liệu này biến tháng 10 trở thành tháng chết chóc nhất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở Nga kể từ khi đại dịch bùng phát. Theo tính toán của hãng tin Reuters, số người chết do Covid-19 ở Nga có thể đã lên tới 578.020, cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Brazil.
Biến thể Omicron hiện lây lan đến ít nhất 40 quốc gia kể từ khi Nam Phi cảnh báo sự xuất hiện của nó hôm 24-11, khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 3-12 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, chính phủ các nước đã thắt chặt các biện pháp hạn chế đi lại. Những dự báo gần đây nhất của IMF làm dấy lên lo ngại rằng vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu và việc phân phối vắc-xin không đồng đều đang làm chậm đà phục hồi và khiến một số quốc gia bị tụt lại.
Phép thử cho kế hoạch mở cửa
Tại Úc, sự xuất hiện của biến thể Omicron được xem là phép thử đối với kế hoạch mở cửa trở lại của nền kinh tế nước này sau khi TP Sydney thuộc bang New South Wales ghi nhận 13 ca mắc mới trong cộng đồng hôm 3-12. Các nhà chức trách ở bang Nam Úc, nơi chỉ vừa mở cửa được vài ngày sau nhiều tháng, hôm 4-12 thông báo những người đến từ bang New South Wales, Victoria và khu vực thủ đô sẽ phải làm xét nghiệm.
Bình luận (0)