Sau khi để mất quyền kiểm soát các thành phố và thị trấn trọng yếu ở miền đông Libya vào tay phe biểu tình, vị thế của lãnh đạo Gaddafi càng lung lay hơn bao giờ hết khi các khu vực lân cận thủ đô Tripoli cũng dần dần chống lại ông.
Nỗ lực lấy lại miền đông thất bại thảm hại khi quân đội bắt đầu chống lệnh ông. Sự kiện nổi bật nhất là hai phi công thuộc Không quân Libya đã nhảy dù và để mặc máy bay chiến đấu đâm nhào xuống sa mạc thay vì ném bom vào những người biểu tình tại đây.
Thành phố phía đông Tobruck được cho là đã thuộc về phe biểu tình. Ảnh: Reuters
Hai phi công này đều lái máy bay Sukhoi do Nga sản xuất và được lệnh ném bom Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya.
Một người dân địa phương xác nhận một trong hai phi công là Ali Omar Gaddafi, vốn thuộc lực lượng ủng hộ ông Gaddafi. Những mảnh vỡ máy bay cũng được phát hiện trên sa mạc bên ngoài cảng trung chuyển dầu Breqa.
Tuy vậy, trong lòng thủ đô Tripoli, những người ủng hộ ông Gaddafi cũng tập hợp lực lượng, tổ chức biểu tình ủng hộ nhà lãnh đạo này.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đang gấp rút hành động để trừng phạt ông Gaddafi vì các “cuộc tắm máu” nhắm vào người biểu tình kể từ ngày 15-2.
Gọi hành động của chính quyền ông Gaddafi là “vô nhân đạo và không thể chấp nhận”, Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ đạo cấp dưới của ông chuẩn bị hàng loạt kế hoạch đối phó với các quan chức Libya, kể cả các biện pháp phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh nước Mỹ.
Đám đông biểu tình ở Tobruck. Ảnh: Reuters
Còn Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề xuất Liên minh Châu Âu cắt đứt quan hệ quốc tế với Libya. Phía Liên Hiệp Quốc có thể ban hành một vùng cấm bay trên không phận Libya để ngăn chặn chính phủ nước này sử dụng máy bay chiến đấu tấn công người biểu tình.
Nhiều nguồn tin cho rằng đã có 800 người tử vong trong các cuộc đụng độ tại Libya trong khi Ngoại trưởng Ý Franco Frattini ước tính con số này lên đến 1.000 và Tổ chức Giám sát Nhân quyền thông báo là 300 người.
Bình luận (0)