Nhận định trên được nêu trong bài viết có tiêu đề "This is Asia’s top-performing economy in the Covid pandemic - it’s not China" (tạm dịch: Đây là nền kinh tế hoạt động tốt nhất châu Á giữa đại dịch Covid-19; nền kinh tế này không phải là Trung Quốc), đăng tải trên kênh CNBC (Mỹ) ngày 27-1.
Một số nền kinh tế ở châu Á vẫn chưa báo cáo số liệu kinh tế quý IV và cả năm 2020. Tuy nhiên, dựa trên các ước tính do CNBC tổng hợp từ các nguồn chính thức và từ các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam vượt trội hơn tất cả quốc gia/vùng lãnh thổ tại cùng khu vực trong năm 2020.
Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,9% so với một năm trước, theo ước tính của Chính phủ công bố vào cuối tháng 12-2021. Con số này cao hơn mức tăng trưởng 2,3% của Trung Quốc trong cùng kỳ.
Chuyên gia Gareth Leather của trung tâm nghiên cứu Capital Economics dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 10% trong năm 2021. Ảnh: AP
Bàn về việc Việt Nam trở thành nền kinh tế hoạt động hiệu quả nhất châu Á giữa đại dịch, CNBC đã phân tích ở 3 khía cạnh làm nên thành công của Việt Nam, gồm cuộc chiến chống dịch Covid-19, xuất khẩu, sự phục hồi trong ngành dịch vụ.
Theo CNBC, "cách ứng phó dịch Covid-19 ở Việt Nam được quốc tế ca ngợi như một hình mẫu để các quốc gia đang phát triển khác noi theo và giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020".
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã đóng góp vào thành công của nền kinh tế trong năm ngoái, với sản lượng tăng nhờ nhu cầu xuất khẩu ổn định. Xu hướng này được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2021.
CNBC dẫn báo cáo vào tháng 12-2020 của công ty tư vấn Fitch Solutions đánh giá cao tiềm năng lớn trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm tới. Việt Nam đã ký một số hiệp định thương mại tự do mới, chẳng hạn hiệp định với Vương quốc Anh (UKVFTA) và Liên minh châu Âu (EVFTA). Những hiệp định này có thể thúc đẩy hơn nữa dòng chảy thương mại.
Theo CNBC, cách ứng phó dịch Covid-19 ở Việt Nam được quốc tế ca ngợi như một hình mẫu để các quốc gia đang phát triển khác noi theo. Ảnh: Reuters
Về ngành dịch vụ của Việt Nam, ngành này vốn bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch nhưng phục hồi dần vào cuối năm 2020. Theo các nhà kinh tế, mức độ phục hồi của ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, sẽ quyết định tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
Chuyên gia Gareth Leather của trung tâm nghiên cứu Capital Economics cho rằng triển vọng du lịch có thể không quá vượt trội. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 10% trong năm 2021 và đây là dự báo lạc quan nhất trên thị trường.
Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Bank of America (Mỹ) đề cập trong báo cáo vào tháng 1-2021: "Với kết quả này, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất trong một năm, phần còn lại của thế giới đang chìm sâu trong suy thoái".
Chuyên gia kinh tế của Bank of America dự đoán đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2020 có thể sẽ tiếp tục trong năm nay. Ngân hàng dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 9,3% trong năm 2021 - mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng 6,7% mà Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán.
Bình luận (0)