Không lực của 4 nước châu Á - Thái Bình Dương tiến hành tập trận chung trong 3 ngày từ 3 đến 5-7 ở Nhật Bản trong khuôn khổ Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) do Mỹ dẫn đầu. Cụ thể, theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản), đây là cuộc tập trận phối hợp giữa Lực lượng Phòng không (ASDF) của Nhật với không quân Hàn Quốc, Úc và Singapore, diễn ra tại căn cứ không quân Chitose ở Hokkaido, hòn đảo cực Bắc Nhật Bản.
Các binh sĩ không quân trong một tình huống tập trận ở Nhật Bản. Ảnh: KYODO
Cuộc tập trận nêu trên được coi là một phần trong các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ngoài ra, nước chủ nhà Nhật Bản có ý định tăng cường tính sẵn sàng trong việc ngăn chặn loại vũ khí này.
Theo một kịch bản trong cuộc tập trận, một máy bay vận tải tư nhân chở các vật liệu phóng xạ bay vào không phận Nhật Bản và lực lượng không quân nước này buộc máy bay này hạ cánh và thực hiện việc kiểm tra hàng hóa chở trên máy bay ngay tức khắc. Các binh sĩ tham gia tập trận tập luyện tình huống tiếp cận chiếc máy bay chở hàng kể trên sau khi nó đã hạ cánh xuống căn cứ Chitose.
Đây là lần thứ ba Nhật Bản đăng cai tổ chức tập trận trong khuôn khổ PSI và là lần đầu tiên các nước tiến hành tập trận không quân phối hợp theo sáng kiến này. Trước đây, Nhật Bản đã tổ chức 2 cuộc tập trận hàng hải trong khuôn khổ PSI vào các năm 2004 và 2007.
Các cuộc tập trận như thế nhằm cải thiện khả năng hành động ngăn chặn và khích lệ các nước châu Á phối hợp trong khuôn khổ PSI cũng như ủng hộ PSI. Ngoài ra, gần đây, các nước châu Á đã tổ chức một loạt cuộc tập trận mà các nhà phân tích nhận định là có liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Cuộc tập trận hàng hải thứ nhất trong khuôn khổ PSI do Nhật Bản tổ chức từ ngày 25-10 đến 27-10-2004 có tên gọi “Đội Samurai 04” diễn ra ngoài khơi vịnh Sagami và cảng Yokosuka..
15 nước tham gia PSI
Hiện nay, 15 quốc gia tham gia PSI gồm: Nhật Bản, Úc, Canada, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Singapore, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ. Các nước tham gia PSI phải nỗ lực xem xét các biện pháp khả thi theo quyền hạn hợp pháp của quốc gia và luật pháp quốc tế để ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, các loại tên lửa và các nguyên liệu liên quan đe dọa đến hòa bình và sự ổn định của cộng đồng quốc tế. |
Bình luận (0)