Lực lượng an ninh Bangladesh hôm 2-7 giải cứu được ít nhất 13 người bị bắt làm con tin tại một quán cà phê ở quận Gulshan, thủ đô Dhaka sau 13 giờ bao vây và đàm phán thất bại.
Tấn công bất ngờ ở Bangladesh
Vụ tấn công xảy ra vào khoảng 21 giờ 20 phút (giờ địa phương) ngày 1-7 ở khu vực tập trung nhiều cơ sở ngoại giao của Dhaka. Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina phát biểu trên truyền hình quốc gia: “Chúng tôi cứu được 13 người trong khi có 6 tên khủng bố bị tiêu diệt tại chỗ, 1 tên bị bắt sống”.
Quân đội Bangladesh cho hay 20 con tin, toàn bộ được cho là người nước ngoài, đã thiệt mạng. Ngoài ra, ít nhất 2 cảnh sát tử vong và 30 cảnh sát bị thương.
Theo đài BBC, làn sóng giết chóc gia tăng ở Bangladesh từ năm 2013 trở lại đây, với hơn 40 người thiệt mạng dưới tay những kẻ nghi là Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, đa số nhằm vào cá nhân như các blogger thế tục, nhà văn, nhà hoạt động, học giả và những người thuộc tôn giáo thiểu số (Bangladesh có 150 triệu người Hồi giáo, chiếm 89% dân số). Do đó, vụ tấn công ngày 1-7 có quy mô khác hẳn và có vẻ được lên kế hoạch kỹ càng.
Theo nhà bình luận Simon Tisdall đến từ tờ The Guardian, một trong những lý do khiến tư tưởng thánh chiến tăng đột biến ở Bangladesh là môi trường chính trị bất ổn. Dù đã bắt hơn 14.000 người trên toàn quốc gần đây song các chuyên gia chống khủng bố cho rằng Bangladesh đổ nhiều công sức đối phó phe đối lập hơn là trấn áp nạn bạo lực do Hồi giáo cực đoan gây ra. Chính phủ của bà Hasina đổ lỗi bạo lực là “âm mưu” lật đổ chính phủ của cựu thủ tướng kiêm thủ lĩnh Đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) - bà Khaleda Zia.
Kình chống al-Qaeda ở Nam Á
Hãng tin Reuters cho hay các vụ giết chóc gần đây đều có bàn tay của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và mạng lưới khủng bố al-Qaeda gây ra. Các quan chức an ninh Bangladesh tiết lộ 2 nhóm vũ trang trong nước, Ansar al-Islam và Jamaat-ul-Mujahideen, lần lượt thề trung thành với al-Qaeda và IS.
Ngay khi vụ tấn công ngày 1-7 đang diễn ra, IS đã nhận trách nhiệm. Thậm chí, hãng tin Amaq của IS còn đăng tải những bức ảnh mà chúng cho là chụp thi thể các con tin nước ngoài. Theo báo The Washington Post, IS nhận trách nhiệm nhiều vụ tấn công tại Bangladesh hơn ở Pakistan hay Afghanistan, bất chấp việc chính phủ Bangladesh luôn phủ nhận sự hiện diện của tổ chức tử thần này ở nước mình.
Cũng theo tờ báo Mỹ, vụ ở Bangladesh có nhiều nét tương đồng vụ tấn công ở sân bay tại Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28-6 (cũng được cho là do IS thực hiện), như được lên kế hoạch từ trước, chọn mục tiêu là nơi đông đúc... Theo đài BBC, quận Gulshan là một trong những nơi an toàn nhất thủ đô Dhaka với an ninh nghiêm ngặt dành cho nhiều đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ và các khu dân cư giàu có tại đây. Muốn vào Gulshan còn phải đi qua một trạm kiểm soát.
Thế nhưng, Bộ Ngoại giao Mỹ và một số chuyên gia không vội tin ngay tuyên bố nhận trách nhiệm của IS. Đài CNN dẫn nhận định một quan chức Mỹ cho hay nhiều khả năng al-Qaeda mới là thủ phạm bởi tần suất hoạt động của mạng lưới này ở Dhaka hơn hẳn IS trong nhiều tháng qua.
Bạo lực tăng vọt ở Bangladesh làm Ấn Độ lo ngại. Trước nay, Lebanon là điểm trung chuyển của các tay súng tham gia IS nhưng giờ biên giới nước này bị siết chặt dưới áp lực quốc tế. Và Bangladesh trở thành cửa ngõ thay thế.
Trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí tuyên truyền bằng tiếng Anh Dabiq của IS hồi tháng 4, thủ lĩnh IS tại Bangladesh - Shaykh Abu Ibrahim Al-Hanif - tuyên bố các căn cứ ở Bangladesh (nằm ở phía Đông Ấn Độ) cộng với các căn cứ khác của Wilayat Khurasan (nhánh IS ở Afghanistan, nằm ở phía Tây Ấn Độ) sẽ tạo thành gọng kìm vây ráp đất nước đông dân nhất Nam Á.
Tháng Ramadan đẫm máu
Từ ngày 27-6, IS và các chân rết mở nhiều đợt tấn công khắp Trung Đông. Trước vụ tấn công ở Bangladesh, chúng liên tiếp tấn công tự sát ở Lebanon, Yemen, Jordan. Trong ngày 28-6, một vụ xả súng, đánh bom liều chết làm rúng động sân bay quốc tế Ataturk, TP Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ, khiến 44 người thiệt mạng và 238 người bị thương.
Dù IS không lên tiếng song giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng nhóm này nhúng tay vào khâu tổ chức. Tới ngày 1-7, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin chủ mưu là Akhmed Chatayev - kẻ bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là “chỉ huy tiểu đoàn Yarmouk”, một nhánh của IS ở Chechnya. Ngoài ra còn có thông tin 3 kẻ tấn công sân bay là người Nga, Uzbekistan và Kyrgyzstan và đến từ thành trì Raqqa của IS ở Syria.
Không riêng gì Trung Đông, IS còn thổi bầu không khí hoang mang tại các quốc gia phương Tây. Kẻ gây ra vụ thảm sát đẫm máu ở hộp đêm Pulse, TP Orlando, bang Florida - Mỹ hôm 12-6, làm 49 người thiệt mạng và 53 người bị thương, cũng tự xưng đã thề trung thành với IS. Một ngày sau vụ khủng bố Orlando, IS tiếp tục “hỏi thăm” Pháp bằng vụ giết vợ chồng một cảnh sát ở ngoại ô thủ đô Paris.
Có thể nhận thấy IS đẩy mạnh chiến dịch khủng bố bên ngoài lãnh thổ Iraq và Syria nhân dịp tháng Ramadan bắt đầu từ 3 tuần trước đó. Đài CNN (Mỹ) nhận định IS đang “bù đắp” việc bị liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, Nga và lực lượng bản địa đánh bật khỏi một số địa bàn chính ở Iraq và Syria. Tuần trước, cựu Tư lệnh Mỹ tại Iraq David Petraeus dự đoán IS có thể mất nốt thành trì quan trọng Mosul - Iraq trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1-2017.
Trước việc IS tổn thất nặng nề trên “sân nhà”, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan mới đây cảnh báo IS có hàng chục ngàn thành viên trải rộng khắp Trung Đông, Tây Phi, Đông Nam Á và những nơi khác. Do vậy, khả năng khủng bố của nhóm này vẫn rất đáng sợ.
Như để chứng minh, IS vừa tiết lộ một bản đồ phô trương ảnh hưởng trên thế giới, bao gồm các nhóm hoạt động “bí mật” tại Pháp, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria, Tunisia, Lebanon và Bangladesh. Ngoài ra, IS khoe đang “kiểm soát mạnh mẽ” tại Iraq, Syria và “kiểm soát trung bình” tại Ai Cập, Libya, Afghanistan và Philippines.
Tuy nhiên, sự khoe khoang này có thể khiến IS “gậy ông đập lưng ông”. Theo Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ, ông Mike McCaul, cả 2 vụ tấn công ở Orlando và Istanbul đều được cho là có liên quan tới Raqqa nên thành trì này có thể trở thành trọng tâm của chiến dịch chống IS do Mỹ phát động thời gian tới.
Bình luận (0)