Hồi tháng 3, Huawei đệ đơn kiện Mỹ liên quan đến một đạo luật cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị của công ty này là vi hiến. Vụ kiện tập trung vào điều khoản của Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA). Mục 889 của đạo luật cấm các cơ quan chính phủ mua sắm thiết bị viễn thông từ Huawei và đối thủ ZTE.
Trong đơn kiện, Huawei yêu cầu tòa án xem xét các câu hỏi về luật pháp giữa NDAA và Hiến pháp Mỹ nhưng yêu cầu của gã công nghệ khổng lồ Trung Quốc này không liên quan đến hành động của Mỹ nhắm vào hãng trong thời gian gần đây.
Ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei, cho biết công ty này đã có sự chuẩn bị. Ảnh: Bloomberg
Tòa án quận phía Đông Texas dự kiến mở phiên xử vào ngày 19-9, điều này đồng nghĩa với việc Huawei tiếp tục chịu áp lực từ NDAA trong vài tháng tới. Mục đích của Huawei là tăng tốc quá trình để tìm phán quyết có lợi cho công ty, cụ thể là loại bỏ Mục 889 của NDAA giúp dỡ bỏ một phần của luật mà không cần trích xuất toàn bộ luật.
Đại diện Huawei cho rằng quy định trong NDAA cho phép tuyên bố một cá nhân hoặc nhóm cụ thể có hành vi phạm tội và trừng phạt họ mà không qua xét xử vốn bị cấm theo Hiến pháp Mỹ. Đáng chú ý, Mục 889 là bất hợp pháp vì công ty không thấy bằng chứng chống lại mình nhưng vẫn nằm trong danh sách cấm.
Trong trường hợp Huawei thắng kiện, hãng này hy vọng sẽ có các cuộc thảo luận với chính phủ Mỹ. Huawei từ lâu cho rằng sự vắng mặt của họ khỏi thị trường Mỹ sẽ cản trở cạnh tranh và khiến Mỹ tụt hậu trong việc tiến tới công nghệ mạng 5G.
Trong khi đó, Mỹ cáo buộc Huawei gây ra rủi ro bảo mật tiềm ẩn. Không chỉ Mỹ, chính phủ các quốc gia khác gồm Nhật Bản và Úc đã ngăn chặn Huawei cung cấp phần cứng cho mạng 5G. Mỹ cho biết thiết bị Huawei có thể cho phép chính phủ Trung Quốc xem hoặc gây ảnh hưởng lên đến các mạng của Mỹ, cáo buộc mà Huawei đã nhiều lần phủ nhận.
Bình luận (0)