xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khu phức hợp quái lạ

GIA HÒA

“Khu ổ chuột, đám rừng, mỏ vàng, Liên Hiệp Quốc thu nhỏ”... đều là những mô tả về một địa điểm ở Hồng Kông - tòa nhà Chungking

Chungking được ví như thế giới thu nhỏ dành cho người nước ngoài ở Hồng Kông. Ước tính hơn 10.000 người vào ra tòa nhà mỗi ngày, người Phi và Nam Á nhiều hơn Trung Quốc. Đây là điều đáng chú ý tại đặc khu có đến 94% dân cư là người Hoa.

Không giống ai

Nhìn từ bên ngoài, Chungking trông như một khối bê-tông oai vệ 15 tầng với trung tâm mua sắm bên dưới. Mới nhìn, nó giống một mê cung nhưng thực tế, tòa nhà gồm 5 dãy riêng biệt, 10 thang máy, nhiều cầu thang cũ. Dây điện chằng chịt, nhiều mảng bê-tông bị hư hỏng và những bức graffiti đủ thứ ngôn ngữ khiến người ta khó mà hình dung Chungking từng là một bất động sản hạng sang vào những năm 1960.

Sau đó, Chungking trở thành trung tâm buôn bán dành cho thương buôn từ các nước đang phát triển, du khách balô và những người tị nạn. Ông Gordon Mathews, giáo sư nhân chủng học tại Trường ĐH Trung văn Hương Cảng, đã ăn dầm nằm dề ở Chungking suốt 4 năm để nghiên cứu và rút ra kết luận: Tòa nhà như “trung tâm thế giới của tiến trình toàn cầu hóa cấp thấp”.

 

Tòa nhà Chungking được ví như “Liên Hiệp Quốc thu nhỏ”. Ảnh: BBC
Tòa nhà Chungking được ví như “Liên Hiệp Quốc thu nhỏ”. Ảnh: BBC

 

Các thương vụ ở Chungking đều được chốt bằng “lòng tin” và nằm bên ngoài “radar” của luật pháp. Nhân viên trong các cửa hàng không ít người làm việc trái phép. Một người kể ông sống tại Hồng Kông hơn 5 năm và vẫn lầm lũi làm việc ở Chungking để giúp đỡ gia đình trong khi chờ xử lý đơn xin tị nạn.

Giáo sư Mathews nhận định lao động chui là thành phần quan trọng trong mô hình kinh doanh ở Chungking. “Nếu trả lương nhân công theo mức tối thiểu được quy định, giá hàng hóa sẽ bị đẩy lên, gây khó khăn cho các thương buôn. Hơn nữa, theo những gì tôi nhận thấy, dân địa phương không mặn mà với công việc trong khu phức hợp này” - ông nói.

Khác biệt nhưng không xung đột

Với 5 dãy nhà, cầu thang uốn lượn và dòng người tấp nập, dường như Chungking là nơi lý tưởng cho bất cứ ai muốn ẩn náu. Nhưng đừng lầm tưởng! Khoảng 330 máy quay giám sát bao phủ khoảng 70% không gian tòa nhà sẽ không để lọt bất cứ điều gì, bất cứ người nào. Khi phóng viên đài BBC lảng vảng khắp các ngóc ngách tòa nhà, anh ta đã lọt vào tầm chú ý của nhân viên an ninh. Trưởng Phòng Bảo vệ Matthew Tsoi cho biết hệ thống máy quay đã được lắp cách nay 10 năm.

Về vấn đề lao động chui, ông Tsoi nói: “Tất nhiên chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cảnh sát nếu họ yêu cầu băng ghi hình hoặc thông tin. Thế nhưng, lao động trái phép trên thực tế không gây trở ngại cho chúng tôi từ góc độ quản lý, trừ khi họ phạm tội hay gây mất trật tự”.

Theo ông Tsoi, thách thức lớn hơn đến từ sự khác biệt văn hóa giữa hàng ngàn người trong tòa nhà. Đơn cử một số gia đình Ấn Độ đốt nhang 24 giờ/ngày bất chấp việc hàng xóm của họ không chịu được mùi đó. “Vậy nhưng ở đây ít xảy ra xung đột. Thuộc chủng tộc hay tôn giáo nào không quan trọng, tất cả đều biết mục đích sống của họ ở Hồng Kông là gì. Đa số để kiếm tiền. Ở đây, Pakistan và Ấn Độ đều là bạn bè”.

Mối đe dọa từ Trung Quốc

“Trước kia, mỗi khi bước chân vào tòa nhà, những người Trung Quốc đại lục cố đi thật nhanh lên các nhà hàng trên lầu. Giờ khác rồi, họ hay rảo quanh các gian hàng và ngắm nghía khắp nơi” - giáo sư Mathews nói. Đây có thể là do tác dụng tích cực từ báo, đài và sự sẵn sàng dung nạp các nền văn hóa khác nhau ở lớp trẻ. Một lý do khác quan trọng không kém, đó là Chungking được nhìn nhận như một phần bản sắc Hồng Kông dù nó cũng bị xem như thể là nơi xác định mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và phần còn lại của thế giới.

Số lượng du khách từ Trung Quốc đại lục tăng vọt trong những năm gần đây khiến nhiều căn hộ phía trên Chungking chuyển dần sang làm nhà trọ. “Vài năm trước, 70% khách hàng của tôi đến từ Nhật Bản. Giờ đây, khoảng 70% khách hàng đến từ Trung Quốc đại lục vì họ ngày càng giàu có” - một chủ nhà trọ cho biết.

Nói thế không có nghĩa tình hình kinh doanh cũng béo bở hơn. Việc mở cửa của Trung Quốc đang đe dọa các doanh nghiệp trong khu phức hợp. Chẳng hạn, nhiều người buôn điện thoại di động chọn Quảng Châu để “đánh hàng” thay vì Hồng Kông.

Eddie Wong, một người buôn điện thoại từ Hồng Kông, than thở: “Trung Quốc mở cửa thị trường và thương nhân dễ dàng xin thị thực. Ngược lại, Hồng Kông thắt chặt đối với khách hàng châu Phi, làm cho hầu hết người mua chuyển hướng sang Trung Quốc”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo