Các chuyên gia đồng tình đây là động thái chính trị nhằm chọc tức Mỹ. Thậm chí, bà Ileana Ros-Lehtinen - Chủ tịch Tiểu ban Trung Đông và Bắc Phi của hạ viện Mỹ - còn nói với trang Washington Free Beacon rằng chuyến thăm của ông Zarif cho thấy Iran đang gia tăng ảnh hưởng ở Mỹ Latin, khu vực được xem là sân sau của Mỹ, để “bành trướng mạng lưới cực đoan”, qua đó “phá vỡ các lệnh trừng phạt, gây hại các lợi ích của Mỹ”.
Theo giới phân tích, ông Maduro rõ ràng muốn cầu cứu Tehran giữa lúc Venezuela đang chìm trong khủng hoảng và chính phủ của ông bị đe dọa. Tuy nhiên, không chắc việc thắt chặt quan hệ lúc này cứu nổi Caracas.
Gốc rễ tình trạng kiệt quệ của Venezuela là do giá dầu tuột dốc khủng khiếp từ năm 2014. Tuy 2 ông Maduro và Zarif nói nhiều về sự hợp tác nhằm ổn định giá dầu song các chuyên gia không mấy tin tưởng.
“Chính sách của Iran là tăng sản lượng để thu về thêm nhiều tiền. Venezuela ngược lại, họ ra sức vận động các nước trong và ngoài OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu) giảm sản lượng toàn cầu để đẩy giá lên” - ông Gustavo Salcedo, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Venezuela, chỉ ra khác biệt cơ bản trên với đài Fox News.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (phải) tiếp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 27-8 Ảnh: TÂN HOA XÃ
Đó là về phần Venezuela, còn tham vọng của Iran có lẽ lớn hơn nhiều bởi trước khi đặt chân đến Caracas, Ngoại trưởng Zarif đã có mặt ở 5 nước Mỹ Latin khác gồm Cuba, Bolivia, Chile, Nicaragua và Ecuador.
Theo Tân Hoa Xã, tháp tùng ông Zarif là một đoàn gồm đại diện của hơn 100 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân thuộc nhiều lĩnh vực. Trong số này có một loại hình đầu tư khiến trang The Hill (Mỹ) đặc biệt để ý, đó là công nghệ tên lửa đạn đạo.
The Hill chứng minh tầm quan trọng chiến lược của Mỹ Latin đối với chương trình quân sự Iran bằng bài viết của nhà báo Brazil Leonardo Coutinho trên tạp chí La Veja hồi tháng trước. Theo đó, ông Coutinho trưng ra một văn kiện chính thức đề ngày 3-8-2009 với nội dung Tổng thống Venezuela khi đó là ông Hugo Chavez chấp thuận đầu tư 1,3 triệu USD vào một dự án chung giữa nhà thầu quốc phòng Venezuela và Tập đoàn Hóa chất Parchin của Iran.
Mục đích của dự án là phát triển các phương tiện sản xuất nitrocellulose và nitroglycerine, 2 thành phần then chốt của nhiên liệu tên lửa rắn. Đặc biệt, văn kiện được ký sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua 2 nghị quyết 1696 và 1737 về việc trừng phạt chương trình tên lửa của Iran năm 2006.
The Hill cho rằng Tehran “dựa dẫm” vào Mỹ Latin suốt 10 năm qua thì giờ đây, khi trừng phạt đã được tháo gỡ, họ càng lợi dụng khu vực này để tiếp tục phát triển tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, trái với cảnh báo của The Hill, nhiều chuyên gia đánh giá thấp chuyến đi dài hơi của ông Zarif. “Không khí chính trị ở Mỹ Latin đã khác trước. Tầm ảnh hưởng của Bolivia đang phai nhạt nhanh chóng trong khi các nước như Argentina, Brazil và Paraguay không còn là một liên minh” - ông Milos Alcalay, cựu Đại sứ Venezuela tại Liên Hiệp Quốc, nhận định với Fox News.
Ngay cả với Venezuela, nước mà Iran có quan hệ chặt chẽ hơn cả ở Mỹ Latin và đã đầu tư vào hàng loạt dự án chung lên đến nhiều tỉ USD, tình hình cũng không mấy khả quan.
“Tất cả doanh nghiệp chung của Venezuela và Iran trong quá khứ đều thất bại. Hiện mỗi nước đối mặt với các khủng hoảng riêng và Tehran thực sự không đủ lực để giúp đỡ kinh tế Venezuela” - ông Alcalay nói và cho biết ông Maduro đề cao chuyến thăm của ông Zarif chỉ để chứng tỏ chính phủ của ông không bị cô lập cũng như tô đậm hình ảnh chống Mỹ.
Bình luận (0)