Kẻ tấn công bị bắn chết trong lúc chạy trốn và cảnh sát đã lục soát nơi ở của y ở phía Đông Paris. Theo đài BBC, một nghi phạm khác đã ra trình diện cảnh sát Bỉ.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhanh chóng nhận trách nhiệm, đồng thời cho biết kẻ tấn công là người Bỉ, tên Abu Yousif. Trong khi đó, nhà chức trách Pháp công bố danh tính y là Karim Cheurfi, 39 tuổi, đang nằm trong danh sách theo dõi. Hồi tháng 2, y bị bắt vì dọa giết cảnh sát nhưng được thả do thiếu chứng cứ. Trước đó vào năm 2005, y bị tuyên án 20 năm tù vì cố giết 2 cảnh sát và mới ra tù năm ngoái. Nhiều khả năng y bị cực đoan hóa trong tù.
Một số ứng viên hàng đầu hủy bỏ các sự kiện hôm 21-4, ngày cuối cùng trong cuộc vận động tranh cử vòng 1. Với cử tri Pháp, theo tờ The Guardian, an ninh và khủng bố thuộc số nỗi lo hàng đầu dù thất nghiệp và kinh tế mới là những vấn đề cấp bách hơn. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu máu tiếp tục đổ. Trong bối cảnh nhiều cử tri chưa biết bỏ phiếu cho ai, vài nhà phân tích cho rằng vụ nổ súng - do một kẻ Hồi giáo cực đoan được cảnh sát biết mặt gây ra - có thể giúp ích cho phe cực hữu.
Trong quá trình tranh cử, bà Marine Le Pen, thủ lĩnh Đảng Mặt trận Dân tộc (FN) cực hữu, tập trung vào cương lĩnh chống nhập cư và mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Khi xảy ra vụ nổ súng, nữ ứng viên này đang tham gia cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình với 10 đối thủ khác. Không bỏ qua cơ hội, bà bày tỏ nỗi lo người dân không được bảo đảm an ninh tại Pháp lúc này, đồng thời cho rằng phải phục hồi việc kiểm soát biên giới.
Một số nhà phân tích tin là bà Le Pen có thể nhận thêm phiếu bầu sau vụ nổ súng trên. Tuy nhiên, theo tờ The Telegraph, lịch sử cho thấy phe cực hữu không hưởng lợi quá nhiều từ các vụ khủng bố trước đó. Chẳng hạn hồi năm 2015, FN đứng đầu trong vòng 1 cuộc bầu cử địa phương chỉ 3 tuần sau các vụ khủng bố tại thủ đô Paris vào tháng 11. Tuy nhiên, đến vòng 2, FN không chiến thắng tại bất kỳ địa phương nào.
Bên cạnh đó, có khả năng những cử tri mang tâm trạng lo lắng về mối đe dọa khủng bố quay sang ủng hộ cựu Thủ tướng Francois Fillon - một chính khách bảo thủ kỳ cựu. Trái lại, vấn đề an ninh vẫn được xem là “gót chân Achilles” của cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, một người bị xem là thiếu kinh nghiệm trên chính trường.
Bình luận (0)