Giới chuyên gia khẳng định với đài CNN rằng vấn đề này có thể kéo dài nhiều tháng, gây tác động tiêu cực không chỉ với tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc mà còn với thương mại toàn cầu.
Giới chức nhiều tỉnh ở Trung Quốc cho biết họ phải đối mặt với khủng hoảng điện trong những tuần trở lại đây, kể cả những nơi được mô tả là "động cơ" quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tại Quảng Đông - trung tâm sản xuất chiếm 25% tổng thương mại của Trung Quốc - lệnh hạn chế sử dụng điện đã được duy trì trong hơn 1 tháng, buộc công ty trên khắp cả tỉnh đóng cửa vài ngày mỗi tuần. Một vài quan chức địa phương cảnh báo biện pháp này có thể phải duy trì đến cuối năm nay.
Ít nhất 9 tỉnh khác cũng thông báo đang đối mặt với những vấn đề tương tự, bao gồm Vân Nam, Quảng Tây và Chiết Giang. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (CNBS) hôm 30-6 thừa nhận khủng hoảng điện góp phần làm chậm tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 6 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Theo nhà phân tích Yan Qin của Công ty Refinitiv (Mỹ - Anh), khủng hoảng điện có thể làm gián đoạn nỗ lực phục hồi kinh tế của Trung Quốc, đồng thời gia tăng sức ép lên chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang chật vật vì đại dịch Covid-19. Tình trạng thiếu điện có thể làm giảm sản lượng ở hầu hết lĩnh vực kinh tế, bao gồm các ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất và xây dựng. Theo CNBS, 2 ngành công nghiệp này năm ngoái sử dụng gần 70% sản lượng điện của Trung Quốc và là "động lực chính" cho phục hồi kinh tế trong năm 2021.
Công nhân làm việc tại một dây chuyền sản xuất kết cấu thép của một nhà máy ở tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Công ty Chengde New Material (trụ sở Quảng Đông), một trong những nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất Trung Quốc, tháng rồi thông báo với khách hàng rằng họ sẽ ngưng hoạt động 2 ngày/tuần cho đến khi lệnh hạn chế sử dụng điện được gỡ bỏ. Theo Chengde New Material, điều này đồng nghĩa năng lực sản xuất của họ giảm 20%, tương dương 10.000 tấn thép/tháng.
Cùng với cắt giảm sản xuất, viễn cảnh giao hàng chậm trễ trên khắp Trung Quốc có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu thêm căng thẳng, chuyên gia Henning Gloystein của Công ty Tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ) khẳng định.
Khủng hoảng nhiều khả năng tiếp diễn trong ít nhất vài tháng, đặc biệt là khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong những tháng hè. Theo nhà phân tích Qin của Công ty Refinitiv, thiếu điện có thể sẽ trở thành một vấn đề xảy ra khá thường xuyên ở Trung Quốc cho đến khi các nhà cung cấp điện nước này tìm ra giải pháp đáp ứng nhu cầu điện gia tăng mà vẫn hoàn thành mục tiêu khử carbon.
Cam kết kiểm soát năng lượng "bẩn", Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và cắt giảm nhiên liệu hóa thạch. Theo ông Qin, mặc dù Trung Quốc đang phát triển nhiều nguồn năng lượng tái tạo, những nguồn này hiện chưa thể đạt mức độ ổn định như nhiên liệu hóa thạch. Do đó, giới chức Trung Quốc cuối cùng có thể sẽ phải từ bỏ một số mục tiêu về khí hậu.
Bình luận (0)