Hội nghị Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP 25) khai mạc tại thủ đô Madrid - Tây Ban Nha hôm 2-12 và dự kiến kéo dài trong 2 tuần, thu hút hàng chục ngàn đại biểu đến từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khoảng 50 nhà lãnh đạo dự kiến tham gia hội nghị này nhưng không có mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt hậu quả, tác động ngày càng nghiêm trọng của các thảm họa cháy rừng, bão lũ, hạn hán chưa từng có. Theo thống kê, 18/19 năm nóng nhất từng được ghi nhận xuất hiện trong thế kỷ này. Trong số này, năm 2019 được dự báo là nóng nhất.
Phát biểu trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo nhân loại đang đối mặt một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đang tiến gần tới "điểm không thể cứu vãn" trong cuộc khủng hoảng này.
Cũng theo ông Guterres, những tác động tàn phá của tình trạng ấm lên toàn cầu đe dọa loài người là sự đáp trả của thiên nhiên khi bị tấn công. "Các thảm họa liên quan đến khí hậu xảy ra thường xuyên hơn, gây nhiều thương vong hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn" - ông Guterres nhận định.
Khung cảnh Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại thủ đô Madrid - Tây Ban Nha hôm 2-12 Ảnh: REUTERS
Cũng theo nhà lãnh đạo LHQ, nạn ô nhiễm không khí gắn liền với biến đổi khí hậu khiến 7 triệu người tử vong mỗi năm, trong lúc đe dọa đến sức khỏe con người và an ninh lương thực. Ông Guterres không quên chỉ trích các quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới không nỗ lực hết mình trong cuộc chiến này.
Các nhà khoa học cũng không ngừng phát đi cảnh báo về thiệt hại ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu. Báo cáo mới nhất của LHQ hôm 26-11 chỉ ra rằng cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết để ngăn nhiệt độ tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong khi đó, tổ chức từ thiện Oxfam (Anh) hôm 2-12 cho biết thời tiết ngày càng cực đoan và các vụ cháy rừng tồi tệ hơn đã khiến hơn 20 triệu người rời bỏ nhà cửa trên thế giới mỗi năm trong giai đoạn 2008-2018. Đáng chú ý, theo báo cáo mới của Oxfam, khoảng 80% số người trong số này sống tại châu Á. Ngoài ra, số lượng thảm họa thời tiết bị xem là cực đoan đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn này. Theo Oxfam, vấn đề này dự kiến trở nên tồi tệ hơn trừ khi các nhà lãnh đạo hành động nhanh chóng để đối phó các mối đe dọa đang tăng liên quan đến biến đổi khí hậu. Tổ chức này đặc biệt nhấn mạnh tình trạng thiên tai xảy ra liên tiếp khiến nhiều nước nghèo không kịp phục hồi trước khi phải đối mặt những thiên tai khác.
Vì thế, tại hội nghị COP 25, theo Reuters, các nhóm môi trường và phát triển đang thúc đẩy việc lập một quỹ để giúp các nước chịu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu. Chương trình nghị sự của hội nghị dự kiến còn tập trung hoàn tất bộ quy tắc triển khai Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu ký kết năm 2015 và dự kiến được thực hiện vào năm 2021. Các nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung đối với một số vấn đề, trong đó có chuyện các quốc gia giàu gánh vác phần trách nhiệm lớn hơn trong hạn chế tình trạng toàn cầu ấm dần lên và giúp đỡ các nước đang phát triển chuẩn bị cho những tác động không tránh khỏi trong tương lai. Hiện chưa có điều khoản nào về việc giúp các nước đang chịu tổn thất do biến đổi khí hậu. Với mức thiệt hại ước tính lên đến 150 tỉ USD/năm vào năm 2025, hiện vẫn chưa có thỏa thuận về nguồn tiền hoặc liệu sự hỗ trợ này có cần thiết hay không. n\
Philippines, Mỹ khổ sở vì bão
Giới chức nhiều địa phương Philippines hôm 2-12 ban bố lệnh sơ tán và lệnh đóng cửa trường học trong bối cảnh bão Kammuri có sức gió lên đến 185 km/giờ áp sát hàng loạt khu vực đông đúc dân cư, trong đó có thủ đô Manila. Theo đài CNN, Kammuri dự kiến gia tăng sức mạnh vào sáng 3-12 (giờ địa phương) trước khi đổ bộ khu vực Đông Nam của Luzon, hòn đảo lớn và đông dân cư nhất của Philippines.
Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) cảnh báo lũ lụt nghiêm trọng có thể xảy ra tại tỉnh Albay cùng các đảo Samar và Leyte. Trong khi đó, tại vùng đô thị Manila ở phía Tây Luzon, mưa lớn có thể kéo dài đến ngày 4-12.
Hãng thông tấn Philippines (PNA) cho biết giới chức tỉnh Albay đã bắt đầu quá trình sơ tán 100.000 người đến các điểm trú bão an toàn. Ngoài ra, bão Kammuri còn khiến toàn bộ trường học ở 6 tỉnh và nhiều khu vực thuộc vùng đô thị Manila đóng cửa; hàng loạt chuyến bay bị hủy và hơn 4.600 người mắc kẹt tại nhiều cảng.
Tại Mỹ, theo Reuters, bão tuyết đã khiến giao thông gián đoạn trên khắp miền Đông Bắc, cản trở đường về nhà của khoảng 50 triệu người sau Lễ Tạ ơn. Gần 900 chuyến bay bị hủy, 6.500 chuyến bay bị hoãn vào ngày 1-12 và một số hãng hàng không như American Airlines và Delta Airlines cho phép hành khách đổi hoặc hủy chuyến mà không mất phí.
Theo AP, trước khi tấn công khu vực Đông Bắc Mỹ, trận bão tuyết nêu trên đã di chuyển trên khắp cả nước, mang theo tuyết dày và mưa lớn đến một khu vực trải dài từ bang California đến vùng Trung Tây cùng nhiều khu vực khác. Một số người đã thiệt mạng vì đợt bão tuyết này, trong đó có 2 bé trai 5 tuổi và 1 người đàn ông 48 tuổi tại bang Missouri.
Cao Lực
Bình luận (0)