Nhanh chóng chỉ trích sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến dịch đặc biệt ở vùng Donbass của Ukraine ngày 24-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định nước này và các đồng minh sẽ phản ứng một cách thống nhất và dứt khoát, buộc Nga phải chịu trách nhiệm.
Không dễ đánh giá hiệu quả
Theo đài CNN, Tổng thống Biden sẽ thảo luận với những người đồng cấp Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và sẽ sớm thông báo về những biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với Nga vì "hành động không cần thiết đối với Ukraine, đe dọa hòa bình và an ninh toàn cầu".
Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã lên kế hoạch nhắm mục tiêu 2 ngân hàng lớn nhất của Nga cũng như các công ty tài chính khác và chuẩn bị triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để ngăn chặn toàn bộ lĩnh vực kinh tế Nga tiếp cận công nghệ quan trọng của phương Tây. Các thành viên thân cận với Tổng thống Vladimir Putin và gia đình họ cũng có khả năng rơi vào "tầm ngắm".
Người dân Ukraine ùn ùn rời thủ đô Kiev vào rạng sáng 24-2 (giờ địa phương). Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh Liên minh châu Âu (EU) sẽ buộc Nga chịu trách nhiệm về cuộc tấn công "phi lý" nhằm vào Ukraine bằng "gói trừng phạt mạnh nhất, khắc nghiệt chưa từng có".
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp hôm 24-2, bà Ursula von der Leyen cho biết các biện pháp trừng phạt, nếu được thông qua, sẽ làm suy yếu cơ sở kinh tế và năng lực hiện đại hóa của Nga. Ngoài ra, châu Âu sẽ đóng băng tài sản của Nga tại EU và ngăn chặn các ngân hàng Nga tiếp cận thị trường tài chính châu Âu.
Tuy nhiên, ông Nicholas Mulder, giáo sư lịch sử châu Âu hiện đại tại Trường ĐH Cornell (Mỹ), nhận định việc đánh giá hiệu quả của các lệnh trừng phạt Nga là không dễ vì các nền kinh tế châu Á hiện có khối lượng giao dịch thương mại với Nga lớn hơn so với năm 2014 - thời điểm phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt do Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Theo ông Mulder, có nhiều cách để điều chỉnh thương mại và các nước bên ngoài châu Âu sẽ duy trì hoạt động thương mại với Nga.
Đồng quan điểm, ông William C. Wohlforth, Giám đốc Viện An ninh toàn cầu Dartmouth (Mỹ), cho rằng điều quan trọng là các biện pháp trừng phạt kinh tế có ngăn được ông Putin có những động thái tiếp theo ở Ukraine hay không.
Theo chuyên gia này, lệnh trừng phạt đối với nhà tài phiệt này hay nhà tài phiệt khác ở Nga sẽ không có tác dụng. Trong khi đó, cơ quan hải quan Trung Quốc hôm 24-2 đã phê duyệt nhập khẩu lúa mì từ tất cả khu vực của Nga, động thái có thể giúp giảm tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây lên Moscow.
Người dân xếp hàng rút tiền tại TP Donetsk - miền Đông Ukraine - hôm 24-2. Ảnh: REUTERS
Còn cửa cho đối thoại?
Không khí căng thẳng bao trùm khi cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) diễn ra cùng thời điểm quân đội Nga tiến vào khu vực do phe ly khai Ukraine kiểm soát hôm 24-2. Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cảnh báo việc Nga tấn công Ukraine có thể tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn mới và đây sẽ là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt.
Bà Thomas-Greenfield lập luận vì Ukraine là một trong những nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới cho các nước đang phát triển, các hoạt động quân sự của Nga có thể đẩy giá lương thực tăng vọt, dẫn đến nạn đói, thậm chí còn trầm trọng hơn tình hình ở Libya, Yemen và Lebanon.
Theo Reuters, Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya đã kêu gọi phương Tây nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến tranh. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thúc giục Tổng thống Putin ra lệnh rút quân "nhân danh nhân loại" và cho rằng cuộc xung đột này phải chấm dứt ngay lập tức.
Dòng xe hối hả rời trung tâm thủ đô Kiev của Ukraine
Phản pháo gay gắt tại cuộc họp, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nhấn mạnh Nga không khơi mào cuộc chiến chống lại Ukraine. Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc Trương Quân cho biết Bắc Kinh tin tưởng cánh cửa dẫn tới giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine vẫn chưa hoàn toàn đóng lại. Ông Trương Quân nhấn mạnh việc các bên tránh leo thang xung đột là sự cần thiết hiện nay và Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc đối thoại nhằm tháo gỡ bế tắc.
Theo AP, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục kêu gọi đàm phán để giải quyết vấn đề Ukraine, đồng thời từ chối chỉ trích các hành động của Nga nhưng cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Kích hoạt điều 4 Hiệp ước NATO
Bốn nước thành viên NATO - gồm Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania - đã kích hoạt điều 4 của Hiệp ước NATO để khởi động tham vấn về mối lo ngại an ninh sau những diễn biến mới nhất tại Ukraine. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas hôm 24-2 gọi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là "một mối đe dọa đối với toàn bộ châu Âu". Vì vậy, các nước cần phải tiến hành tham vấn về việc tăng cường an ninh của các đồng minh NATO.
Điều 4 quy định dựa trên đề nghị của một nước thành viên, các nước khác sẽ tiến hành tham vấn mỗi khi sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị và an ninh của một nước thành viên "bị đe dọa". Ukraine hiện không phải là thành viên NATO. Nga đã yêu cầu NATO cam kết không để Ukraine gia nhập khối này nhưng bị các thành viên NATO bác bỏ do chính sách "mở cửa" của liên minh quân sự này.
Theo trang web của NATO, tham vấn dựa trên điều 4 có thể dẫn đến hành động chung của toàn bộ 30 nước thành viên. Kể từ khi thành lập năm 1949, điều 4 đã được kích hoạt 6 lần. Mới đây nhất, Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt điều 4 vào tháng 2-2020, sau khi hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong cuộc tấn công của lực lượng chính phủ Syria tại khu vực do phe đối lập kiểm soát ở miền Bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ còn kích hoạt điều 4 trong 4 dịp khác: một lần vào năm 2003, 2 lần vào năm 2012 và một lần vào năm 2015. Trong số 4 dịp này, NATO phản hồi 2 lần bằng cách viện trợ quân sự, gửi hệ thống phòng không Patriot và máy bay để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)