Đài RT cho biết tuyên bố trên được ông Blinken đưa ra hôm 10-7. Ngoại trưởng Mỹ nói với các phóng viên ở thủ đô Bangkok - Thái Lan: "Chúng tôi nhận thấy tác động của sự gây hấn này của Nga đang diễn ra ở khắp mọi nơi. Điều đó có thể đã góp phần vào tình hình ở Sri Lanka. Chúng tôi lo ngại về những tác động trên toàn thế giới".
Ông Blinken dẫn chứng "cuộc khủng hoảng an ninh lương thực ngày càng gia tăng" trên khắp thế giới đã "trở nên trầm trọng hơn đáng kể sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24-2". Ông cũng kêu gọi Nga cho phép 20 triệu tấn ngũ cốc rời khỏi các cảng của Ukraine.
Tuy nhiên, Nga phủ nhận cáo buộc chặn xuất khẩu lương thực. Moscow cho biết họ đã cung cấp hành lang an toàn cho các tàu vận tải nhưng Ukraine đang ngăn các tàu dân sự rời cảng, bao gồm cả Odessa.
Sri Lan rơi vào bất ổn trong vài tháng qua. Ảnh: AP; Reuters
Sri Lanka rơi vào tình trạng bất ổn trong vài tháng qua giữa thời điểm nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu bị thiếu hụt và giá cả tăng chóng mặt. Căng thẳng dâng cao sau khi hàng ngàn người biểu tình xông vào dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, buộc ông phải chạy trốn hồi cuối tuần trước.
Khủng hoảng Sri Lanka
Tháng 5 năm nay, Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Kế hoạch phân bổ nhiên liệu vừa được giới thiệu hồi đầu tháng này. Cảnh sát vũ trang và quân đội được triển khai tới các trạm xăng dầu.
Cuộc khủng hoảng được cho là do đại dịch Covid-19 đã tước đi nguồn thu du lịch quan trọng của Sri Lanka. Việc chi tiêu của chính phủ tăng mạnh, cắt giảm thuế… đã khiến lạm phát gia tăng.
Người biểu tình ăn ngủ trong dinh thự tổng thống ở Colombo. Ảnh: Reuters
Ước tính 100.000 người đã bao vây dinh thự tổng thống ở Colombo hôm 9-7. Tổng thống Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe sau đó đều tuyên bố từ chức, trong đó ông Rajapaksa dự kiến rời văn phòng vào ngày 13-7 tới.
Mặc dù vậy, những người biểu tình thề sẽ không bỏ cuộc cho đến khi tổng thống và thủ tướng chính thức từ chức. Lực lượng an ninh đứng bên ngoài dinh thự tổng thống nhưng không ngăn cản người biểu tình đi vào bên trong.
Trong khi đó, Tổng thống Rajapaksa "bặt vô âm tín" kể từ hôm 8-7. Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena cho biết quyết định từ chức của ông Rajapaksa "nhằm đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra một cách hòa bình".
Nếu tổng thống và thủ tướng của Sri Lanka từ chức, chủ tịch Quốc hội sẽ được bổ nhiệm làm quyền tổng thống và Quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống mới trong vòng 30 ngày.
Bình luận (0)