Cử tri Thái Lan ngày 24-3 sẽ tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ năm 2011, dù không nhiều người kỳ vọng sự ra đời của một chính phủ mới sẽ giúp chính trường quốc gia Đông Nam Á này ổn định hơn sau cuộc đảo chính quân sự diễn ra 5 năm trước đó.
Theo báo The Straits Times, 80 đảng phái sẽ tranh nhau 500 ghế hạ viện trong lúc chính quyền quân sự hiện nay sẽ bổ nhiệm 250 thượng nghị sĩ. Một đảng hoặc liên minh các đảng cần nắm ít nhất 376 ghế tại lưỡng viện quốc hội nếu muốn lập chính phủ mới.
Có đến 68 ứng viên tranh cử vị trí thủ tướng nhưng giới phân tích nhận định chỉ có 5 gương mặt nhiều cơ hội chiến thắng nhất, gồm: đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha (Đảng Palang Pracharat), cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva (Đảng Dân chủ), bà Sudarat Keyuraphan (Đảng Pheu Thai), Thanathorn Juangroongruangkit (Đảng Hướng tới Tương lai), Anutin Charnvirakul (Đảng Bhumjaithai).
Một khu vực ở thủ đô Bangkok - Thái Lan ngày 23-3 chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử Ảnh: REUTERS
Hôm 22-3 là ngày cuối cùng các cuộc tuần hành vận động bầu cử được phép diễn ra. Đáng chú ý, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha gây nhiều ngạc nhiên khi lần đầu tiên xuất hiện tại một cuộc tuần hành của Đảng Palang Pracharat ở thủ đô Bangkok kể từ khi được đề cử làm ứng viên thủ tướng. Xuất hiện 15 phút trên sân khấu, ông Prayut cam kết sẽ duy trì hòa bình và trật tự cho đất nước, cũng như đưa Thái Lan tiến lên và nâng cao đời sống của người dân. Theo báo Bangkok Post, nhà lãnh đạo này lâu nay không tham gia các sự kiện tương tự do không muốn bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để vận động tranh cử, từ đó vi phạm luật bầu cử.
Cách địa điểm này không xa, cuộc tuần hành vận động tranh cử cuối cùng của Đảng Pheu Thai thân với cựu Thủ tướng Thaksin Sinawatra cũng diễn ra. Những người ủng hộ đảng này chỉ trích chính quyền quân sự không quan tâm gì đến lợi ích của họ. Sự ủng hộ dành cho Pheu Thai vẫn còn mạnh mẽ, nhất là tại miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan. Bà Sudarat Keyuraphan, thủ lĩnh đảng này, đã thúc giục mọi cử tri tham gia bầu cử với hy vọng tỉ lệ bỏ phiếu cao sẽ cản trở ông Prayuth tiếp tục nắm quyền. Theo thống kê, 87% người đăng ký bỏ phiếu sớm đã đến phòng phiếu hôm 17-3, qua đó phần nào cho thấy sự quan tâm của người dân Thái Lan đối với cuộc bầu cử đang ở mức cao.
Nhiều nhà phân tích dự báo Đảng Pheu Thai sẽ giành nhiều ghế nhất tại hạ viện trong lúc Đảng Dân chủ đứng thứ 2 hoặc 3. Dù vậy, hệ thống bầu cử phức tạp nói trên khiến một đảng rất khó giành được đa số ghế tại lưỡng viện quốc hội nên khó tránh kịch bản chính phủ liên hiệp. Trong bối cảnh đó, theo Reuters, Đảng Dân chủ có thể đóng vai trò quyết định trong sự ra đời của chính phủ mới với lựa chọn khó là bắt tay với đảng thân chính quyền quân sự hoặc Đảng Pheu Thai.
Trong đoạn video tranh cử công bố đầu tháng này, ông Abhisit khẳng định không ủng hộ ông Prayuth tiếp tục làm thủ tướng. Chính trị gia này cũng nói rõ không muốn hợp tác với Pheu Thai. Cam kết được ông Abhisit đưa ra tại cuộc vận động cuối cùng của đảng chính trị lâu đời nhất nước hôm 22-3 là tập trung cho "nền dân chủ trung thực" và thúc đẩy kinh tế.
AP nhận định sự ra đời của một chính phủ liên hiệp hậu bầu cử có thể đẩy chính trường Thái Lan vào một giai đoạn khó lường mới. Sẽ có những kết quả gây xáo trộn, như một thủ tướng được quân đội và thượng viện hậu thuẫn nhưng lại không nắm thế đa số tại quốc hội.
Ông Prajak Kongkirati, chuyên gia tại Trường ĐH Thammasat, nhận định cho dù đảng nào chiến thắng, chính phủ mới vẫn sẽ khó mạnh và ổn định. "Chính phủ này chỉ có thể tồn tại trong vòng 1-1,5 năm và chúng ta có thể sớm có bầu cử mới" - ông Prajak đánh giá. Cùng quan điểm, ông John Ciorciari, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trường ĐH Michigan (Mỹ), cho rằng bất kể cuộc bầu cử có kết quả thế nào, khủng hoảng chính trị dai dẳng ở Thái Lan khó có thể chấm dứt.
Bình luận (0)