Vắc-xin của hãng Pfizer đã chứng minh hiệu quả 94% trong một nghiên cứu tiêm chủng hàng loạt 1,2 triệu người ở Israel. Kết quả này được công bố hôm 24-2 như một lời cam đoan mạnh mẽ về hiệu quả khi tiêm vắc-xin rộng rãi hơn trong dân chúng ở nhiều độ tuổi và tình trạng sức khỏe khác nhau.
Theo AP, vắc-xin Pfizer có hiệu quả 57% trong việc ngăn ngừa bất kỳ triệu chứng nào của Covid-19 từ 2 đến 3 tuần sau liều đầu tiên và 94% một tuần hoặc hơn sau liều thứ hai.
Vắc-xin Pfizer có hiệu quả 92% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng sau hai mũi tiêm phòng và 62% nếu tiêm một mũi. Tiên lượng hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn ngừa nguy cơ tử vong là 72% từ hai đến ba tuần sau mũi tiêm đầu tiên, một tỉ lệ có thể cải thiện khi khả năng miễn dịch tăng lên theo thời gian.
Có thể ngăn ngừa nhiễm trùng đến 92%. Giảm nguy cơ nhiễm trùng mang lại hy vọng vắc-xin có thể hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, nhưng loại nghiên cứu này không thể xác định xem có đúng như vậy hay không.
Kết quả cho thấy vắc-xin hiệu quả ở cả những người trẻ tuổi lẫn những người trên 70 tuổi.
Nhân viên y tế chuẩn bị ống tiêm với vắc xin của hãng dược Pfizer tại một điểm tiêm chủng Covid-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: AP
Bác sĩ Gregory Poland của Phòng khám Mayo (Mỹ), cũng là tổng biên tập của tạp chí y tế Vaccine, đánh giá cao hiệu quả của vắc-xin Pfizer. Tiến sĩ Buddy Creech của Trường ĐH Vanderbilt (Mỹ) cho biết: "Ngay cả sau một liều tiêm, chúng tôi có thể thấy hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa nguy cơ tử vong".
Ông Gregory Poland và ông Buddy Creech đều cho rằng kết quả mới nhất này có thể thúc đẩy việc cân nhắc việc hoãn tiêm mũi thứ hai, vì nước Anh đang cố gắng hoặc tiêm một liều thay vì hai liều cho người dân, như Pháp đang thực hiện, để kéo dài nguồn cung còn hạn chế.
Ông Creech xác nhận trên Tạp chí y khoa The New England Journal of Medicine: "Tôi thà thấy 100 triệu người uống một liều còn hơn 50 triệu người dùng hai liều. Tôi nhận thấy kết quả rất lạc quan dù chỉ tiêm phòng 1 liều, căn cứ kết quả thử nghiệm thực tế từ Israel".
Loại vắc-xin do hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech của Đức sản xuất, được tiêm 2 mũi, cách nhau 3 tuần, ở hầu hết các quốc gia.
Nhân viên mở tủ chứa vắc-xin của hãng Pfizer tại Israel hồi tháng 1. Ảnh: Reuters
Nghiên cứu tiêm chủng hàng loạt ở Israel nêu trên do các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Clalit và Trường ĐH Ben-Gurion ở Israel, phối hợp với Trường Đại học Harvard (Mỹ) tiến hành. Theo AP, nghiên cứu không đề cập đến tính an toàn của vắc-xin, chỉ là tính hiệu quả, nhưng không hề có vấn đề bất ngờ nào phát sinh trong quá trình thử nghiệm thực tế.
Các nhà nghiên cứu so sánh 600.000 người từ 16 tuổi trở lên ở Israel, những người đã được tiêm vắc xin vào tháng 12 hoặc tháng 1 với 600 người có độ tuổi, giới tính và sức khỏe tương tự nhưng không tiêm vắc-xin. Không ai trong số những người tham gia trước đó có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Israel hiện đã tiêm phòng cho gần một nửa dân số.
Đầu tuần này, hai nghiên cứu của Anh cho thấy hiệu quả ngay cả sau một liều vắc-xin của Pfizer hoặc một liều của hãng dược AstraZeneca (Anh).
Bình luận (0)