Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) vừa đưa tin 2 loại kiến lửa trên được tìm thấy vào ngày 26-5, trong một tàu hàng từ cảng Kobe đến TP Amagasaki – Nhật Bản. Con tàu xuất phát từ tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc, đã bốc dỡ hàng tại cảng Kobe cách đó 6 ngày.
Các container trên tàu đã được chuyển lại cảng để Bộ Môi trường Nhật Bản sử dụng chất hóa học khử trùng và tiêu diệt 2 loại kiến mới. Một quan chức của bộ này cho rằng chúng có thể đang sinh sản trên đất Nhật Bản.
Sau đó, người ta phát hiện ổ kiến lửa tại nơi lưu trữ container ở cảng Kobe. Các chuyên gia động vật hoang dã cảnh báo 2 loại kiến lửa Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ động - thực vật bản địa Nhật Bản.
Kiến lửa đang đe dọa tới hệ động - thực vật bản địa Nhật Bản. Ảnh: SCMP
May mắn là khu dân cư cách nơi tìm thấy kiến lửa ít nhất 2 km nên người dân không bị tác động. Loại kiến có nguồn gốc từ Nam Mỹ này có thể dài tới 6 mm, rất hung hăng. Nọc độc của chúng có thể làm nạn nhân bị sốc quá mẫn (loại phản ứng dị ứng nặng nhất), nếu nặng có thể dẫn đến tử vong.
GS Khoa Giáo dục môi trường tại Trường ĐH Khoa học Thông tin Tokyo, ông Kevin Short, nói: "Vấn đề là kiến, nhện và các loại côn trùng khác rất nhỏ, dễ dàng được vận chuyển đi khắp thế giới trên các con tàu chở hàng. Chúng thường được tìm thấy tại khu vực cảng nhưng có thể lây lan nhanh chóng và sinh tồn ở một vùng rộng lớn".
Ông Short cũng cho rằng kiến lửa Trung Quốc được xem là vấn đề nghiêm trọng đối với Nhật Bản hơn cả những con nhện đỏ có nọc độc đến từ Úc cách đây hơn 1 thập kỷ. Ít nhất là chúng sẽ đe dọa quần thể kiến bản địa, tương tự vụ cá chọi lấn át các loại cá nước ngọt địa phương ở Nhật Bản vào năm 1925.
Trên đảo Chichijima, cách thủ đô Tokyo khoảng 1.000 km về phía Nam, loài thằn lằn Anole xanh đến từ Mỹ cũng đã xóa sổ một số loài côn trùng bản địa sau khi Washington triển khai quân đội tới hòn đảo này sau Thế chiến thứ hai.
Nhện đỏ có nọc độc đến từ Úc đang sinh sôi ở Nhật Bản. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Bình luận (0)