IMF dự đoán kinh tế châu Á năm nay chỉ tăng 6,5%, so với mức 7,6% được tổ chức này đưa ra hồi tháng 4.
Dù vậy, IMF khẳng định châu Á vẫn là khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong năm nay, đồng thời dự đoán tăng trưởng của châu Á sẽ do Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu, với mức tăng lần lượt là 8% và 9,5% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 tới.
Báo cáo của IMF còn lưu ý rằng sự phân hóa giữa các nền kinh tế tiên tiến với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực đang ngày càng sâu sắc.
Trong khi những nền kinh tế tiên tiến như Úc, Hàn Quốc và New Zealand hưởng lợi từ sự bùng nổ hàng hóa và công nghệ cao, 5 nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan vẫn phải đối mặt những thách thức nghiêm trọng liên quan đại dịch và tiêu thụ sụt giảm.
Một khu phố mua sắm ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 19-10 Ảnh: REUTERS
Năm ngoái, các nước châu Á kiểm soát tương đối thành công dịch Covid-19 nhưng năm nay, nhiều quốc gia - trong đó có Ấn Độ và Malaysia - phải chống chọi với những làn sóng lây nhiễm mới. So với châu Âu và Bắc Mỹ, châu Á bị tụt lại phía sau trong chiến dịch tiêm phòng Covid-19, chủ yếu vì thiếu nguồn cung.
Tình hình có thể trở nên trầm trọng hơn bởi theo Reuters, Ấn Độ đã hoãn cam kết cung cấp vắc-xin cho COVAX (cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu), sau khi Tổ chức Y tế thế giới khẳng định không thể "cắt ngắn giai đoạn" để cấp phép sử dụng vắc-xin Covaxin do quốc gia này bào chế.
Ấn Độ tháng này nối lại hoạt động xuất khẩu vắc-xin Covid-19 lần đầu tiên sau 6 tháng. Họ đã chuyển 4 triệu liều vắc-xin cho các nước láng giềng như Bangladesh và Iran nhưng chưa cung cấp mũi nào cho COVAX.
Trong khi đó, sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và hiện chưa rõ liệu những động lực tăng trưởng mới có bù đắp cho sự suy giảm này hay không. Đó là nhận định của ông Leland Miller, Giám đốc điều hành của Công ty nghiên cứu thị trường Trung Quốc China Beige Book, với đài CNBC hôm 19-10.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực kiềm chế lĩnh vực bất động sản tăng trưởng nóng để dịch chuyển mô hình kinh tế khỏi hình mẫu tăng trưởng dựa vào đầu tư và vay nợ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa có bước tiến đủ dài để dịch chuyển sang nền kinh tế dựa vào tiêu dùng.
Trong khi đó, các nhà sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc đến nay vẫn chưa thể giải quyết vấn đề chi phí cao do thiếu hụt nguồn cung từ than đá đến chất bán dẫn. Nhu cầu giảm có thể làm giảm áp lực về giá nhưng nếu các nút thắt trong chuỗi cung ứng vẫn không được tháo gỡ, điều đó có thể gây ra cơn ác mộng về tăng trưởng kinh tế chậm lại đi kèm với lạm phát tăng cao.
Bà Selena Ling, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Chiến lược tài chính tại Ngân hàng OCBC (Singapore), cho rằng khi cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra, các nhà hoạch định chính sách sẽ ưu tiên nhu cầu của người dân trong mùa đông hơn là hoạt động công nghiệp, động thái có thể làm trầm trọng thêm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bình luận (0)