Đó là một chuyến bay thông thường của Hãng Hàng không Ai Cập EgyptAir từ sân bay quốc tế Los Angeles (Mỹ) đi Cairo, quá cảnh sân bay quốc tế John F. Kennedy, TP New York. Do máy bay rớt trong vùng biển quốc tế (cách đảo Nantucket, bang Massachussets 100 km) nên trách nhiệm điều tra tai nạn thuộc về Cơ quan Hàng không Dân sự Ai Cập (ECAA).
Tuy nhiên, do ECAA không đủ phương tiện, chính phủ Ai Cập phải nhờ Cơ quan An toàn Hàng không quốc gia (NTSB) Mỹ điều tra giùm. Trong cơ cấu đội điều tra NTSB có đại diện của ECAA.
Ông nói gà, bà nói vịt
NTSB điều tra được 2 tuần thì đại diện ECAA mật báo cho chính phủ Ai Cập biết FBI (Cảnh sát Liên bang Mỹ) cũng vào cuộc theo yêu cầu của NTSB do phát hiện yếu tố hình sự.
Hay được tin này, chính quyền Ai Cập cực lực phản đối sự có mặt của nhân viên FBI vì tin tưởng hoàn toàn vào khả năng và đạo đức của đội bay. Omar Sulaiman, trùm tình báo Ai Cập, bay sang Washington tham gia cuộc điều tra. Mặc kệ, NTSB vẫn tiếp tục điều tra theo hướng tai nạn xảy ra do yếu tố con người.
Phân tích dữ liệu hộp đen của máy bay xấu số, các nhà điều tra Mỹ không tìm thấy chứng cứ sai sót kỹ thuật nào khiến máy bay ngộ nạn. Nghe lại kỹ cuộn băng ghi âm trong buồng lái vào thời điểm gay cấn nhất, họ phát hiện có tiếng ngắt động cơ máy bay, ngắt thiết bị bay tự động, tiếng điều chỉnh hệ thống điều khiển bánh lái đuôi máy bay.
Đặc biệt nhất là tiếng cầu nguyện bằng tiếng Ả Rập “Tawkalt ala Allah” phát ra tổng cộng 11 lần. Câu này có thể hiểu là “Con tin tưởng Thượng đế” hoặc “Xin phó thác mạng con cho Thượng đế”. Người thốt ra câu này là cơ phó Gameel Al-Babouti. Theo các chuyên gia tâm lý Mỹ, điều này có nghĩa là Al-Batouti cảm thấy cái chết trước mắt.
Chi tiết đáng chú ý thứ hai là tiếng thét thất thanh “kéo lên” và “cứu tôi với”. Tiếp theo là tiếng xô xát có lẽ giành giật quyền kiểm soát máy bay. Theo NTSB, đó là tiếng cầu cứu của cơ trưởng Ahmed al-Habashi. Lợi dụng việc cơ trưởng bước ra khỏi buồng lái đi vệ sinh, cơ phó Al-Batouti đã thực hiện ý đồ tự tử của mình. Al-Habashi trở vào buồng lái cố gắng ngăn cản nhưng quá muộn.
Trong khi đó, ECAA cũng đưa ra kết quả điều tra tỉ mỉ của riêng mình, theo đó nguyên nhân chủ yếu do hệ thống kiểm soát bánh lái phía đuôi máy bay có vấn đề. Những sự cố như vậy đã từng xảy ra trong quá khứ với chiếc Boeing 767 tuy không kết thúc thảm khốc như chuyến bay 990 của EgyptAir. Kết luận của ECAA: “Cơ phó Al-Batouti không cố ý cho máy bay đâm xuống biển. Sự cố kỹ thuật có khả năng là nguyên nhân gây ra tai nạn”.
Trả thù cấp trên
Sau 2 năm điều tra kết luận cuối cùng và chính thức của NTSB ngày 21-3-2002 là “chúng tôi xác định rằng nguyên cớ gây ra vụ tai nạn chuyến bay 990 EgyptAir là do tác động vào hệ thống kiểm soát máy bay của cơ phó. Lý do tại sao cơ phó hành động như vậy không được xác định”.
Trong biên bản điều tra của NTSB, cái tên Al-Batouti được nhắc đến rất nhiều lần. Ông là phi công cao tuổi nhất (59 tuổi) và dày dạn kinh nghiệm nhất của EgyptAir, từng lái Boeing 737-200, 767-200, 767-300 và khi tử nạn chỉ còn 6 tháng nữa là về hưu theo quy định của ngành (60 tuổi).
Động cơ nào khiến Al-Batouti làm như vậy? NTSB không đưa ra kết luận nào nhưng báo chí phương Tây tin rằng Al-Babouti có nỗi niềm riêng. Los Angeles Times (LAT) là tờ báo đầu tiên cho biết Al-Batouti muốn trả thù một quan chức hàng không Ai Cập. Đó là Hatem Rushdy, một cơ trưởng đầy quyền lực của EgyptAir. Bí mật này do Hamdi Hanafi Taha, cựu phi công EgyptAir tiết lộ. Ông này đào thoát sang Anh xin tị nạn chính trị vào đầu năm 2000 vì “muốn chấm dứt những điều dối trá về chuyến bay 990 EgyptAir” và sợ bị trả thù do biết quá nhiều về hàng không dân sự Ai Cập.
NTSB và FBI đã phỏng vấn Taha nhiều lần trong quá trình điều tra tai nạn. Phóng viên tờ LAT cũng đã phỏng vấn tổng cộng Taha 9 giờ. Trong cả hai lần phỏng vấn, ông Taha đều nêu lý do tại sao Al-Babouti trở thành tội phạm. Theo Taha, vài giờ trước khi chuyến bay 990 cất cánh, Al-Babouti được Hatem Rushdy thông báo rằng đây là chuyến bay cuối cùng của ông trên tuyến Los Angeles - Cairo vì bị tố cáo quấy rối tình dục.
Đây là một hình thức giáng chức, một thảm họa tài chính đối với Al-Batouti. Tuyến bay này đã từng giúp Al-Batouti cải thiện đời sống bằng cách mua hàng ở Los Angeles và New York để bán lại kiếm lời ở Ai Cập. Mất cơ hội này là mất nguồn thu nhập quan trọng trong khi sắp đến tuổi hưu. Theo Taha, cú sốc này quá lớn khiến cơ phó nảy sinh ý nghĩ trả thù bởi hôm đó Rushdy cũng có mặt trên chuyến bay 990.
Phản ứng của chính phủ Ai Cập rất mạnh mẽ. Osama El-Baz, cố vấn của Tổng thống Hosni Mubarak, tuyên bố: “Taha không thể biết gì về chuyến bay 990”. Các quan chức EgyptAir cũng bác bỏ tiết lộ của Taha. Họ cũng bảo vệ Al-Batouti với lập luận “phi công này là một người rất ngoan đạo, không thể tự tử vì hành động này là điều cấm kỵ trong đạo Hồi”. Không muốn làm chính quyền Mỹ khó xử, NTSB chỉ xác định nguyên nhân tai nạn là do lỗi con người chứ không nêu động cơ gây án của Al-Batouti.
Kỳ tới: Vụ tai nạn máy bay khó hiểu
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-4
Bình luận (0)