Chiến đấu cơ tàng hình F-35B Lightning II hôm 5-3 lần đầu tiên đáp xuống tàu tấn công đổ bộ USS Wasp, đánh dấu lần đầu tiên nó được triển khai trên một tàu chiến Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Động thái này cũng mở ra kỷ nguyên mới trong việc nâng cao khả năng chiến đấu cho lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến.
Được bàn giao cho Đơn vị Thủy quân Lục chiến Viễn chinh (MEU) 31 đóng tại tỉnh Okinawa - Nhật Bản, F-35B sẽ hỗ trợ Nhóm Tác chiến Viễn chinh (ESG) trong hoạt động tuần tra nhằm củng cố các mối quan hệ đồng minh ở khu vực và cung cấp khả năng phản ứng nhanh. Chuẩn Đô đốc Brad Cooper, chỉ huy ESG 7, nhận định việc kết hợp hoạt động giữa chiến đấu cơ F-35B với tàu USS Wasp là một trong những bước tiến đáng kể nhất trong năng lực tác chiến của lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến.
Không đoàn máy bay tấn công số 121 của Thủy quân Lục chiến Mỹ được triển khai lên USS Wasp - tàu sân bay cỡ nhỏ từng triển khai các máy bay phản lực lên thẳng và trực thăng trước khi được cải tiến đặc biệt để tiếp nhận F-35. "Đây là đợt triển khai lịch sử. F-35B là loại máy bay có khả năng hỗ trợ tốt nhất cho lính thủy quân lục chiến trên mặt đất. Nó mang đến những khả năng mới cho MEU, giúp cải thiện hiệu quả và khả năng sát thương của lực lượng này" - đại tá Tye R. Wallace, chỉ huy MEU 31, đánh giá.
Một chiếc F-35B hạ cánh trên tàu tấn công đổ bộ USS Wasp hôm 5-3 Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Quyết định triển khai nói trên cũng đánh dấu bước tiến mạnh sau nhiều năm lên kế hoạch. Theo đó, F-35 được thiết kế để phù hợp với nhu cầu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Ngoài ra, chiến đấu cơ tiên tiến này còn có thể được trang bị súng và đóng vai trò hỗ trợ lực lượng thủy quân lục chiến tiến hành đổ bộ. Theo trang Business Insider, phi đội được điều lên tàu USS Wasp cũng trải qua nhiều đợt huấn luyện nghiêm ngặt về một loạt chiến thuật mới nhằm giúp duy trì vị thế thống trị của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.
Một số chuyên gia nhận định việc trang bị F-35B cho hải quân giúp Mỹ duy trì ưu thế trên không trước bất kỳ nước nào, kể cả Nga và Trung Quốc, bằng những đòn tấn công chính xác, khả năng xâm nhập không phận của đối phương, phối hợp với tàu khu trục tên lửa dẫn đường trong việc tấn công các mục tiêu trên bờ.
"Lần đầu tiên trong lịch sử, các tiêm kích thế hệ thứ 5 được triển khai lên tàu tấn công đổ bộ hoạt động tại vùng biển có không ít rủi ro, tranh cãi và căng thẳng địa chính trị" - tướng về hưu David Berke, cựu chỉ huy một phi đội F-35B, nói với trang tin Business Insider. Cũng theo ông Berke, việc điều động F-35B tới Thái Bình Dương sẽ mang lại những khả năng mà chưa ai từng nghĩ đến.
Thông qua động thái triển khai F-35B đến Thái Bình Dương, Mỹ muốn phát đi thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng đến Trung Quốc và Triều Tiên. Trong bối cảnh Bắc Kinh ngang ngược quân sự hóa biển Đông và tiến hành cuộc diễn tập không quân ngày một khiêu khích trên Thái Bình Dương, sự hiện diện của F-35B được cho là sẽ mang lại cho Mỹ lợi thế về sức mạnh không quân trên biển.
Trung Quốc cũng đang chạy đua triển khai chiến đấu cơ tàng hình để đối phó với sức mạnh không quân của Mỹ trong khu vực. Vốn không phải là một quốc gia mạnh về không lực, Triều Tiên chắc chắn cũng chịu áp lực gia tăng khi Mỹ triển khai đến khu vực loại chiến đấu cơ tàng hình mà họ chưa thể phát hiện được.
Chuyến thăm đặc biệt
Việc lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam trong hơn 40 năm qua nói lên mối quan hệ đang ngày càng lớn mạnh giữa hải quân và đặc biệt là giữa nhân dân hai nước.
Đó là lời của Phó Đô đốc Phillip Sawyer - Chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ - trong cuộc họp báo qua điện thoại ngày 6-3 về chuyến thăm của nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson tới Việt Nam (từ ngày 5 đến 9-3). Cũng trong cuộc họp báo, bày tỏ sự tự hào vì chuyến thăm kéo dài 5 ngày giúp tăng cường quan hệ song phương, Chuẩn Đô đốc John Fuller, chỉ huy nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson, khẳng định các tàu sân bay Mỹ tới thăm rất nhiều nơi trên thế giới nhưng chuyến thăm Việt Nam có sự đặc biệt nhất định bởi vị trí lịch sử của nó.
Một lính Hải quân Mỹ chơi cà kheo với trẻ em làng SOS Đà Nẵng Ảnh: LÂM THẢO
Theo giải thích của ông Sawyer, chuyến thăm này trước hết là sự thực hiện cam kết mà Mỹ đã đưa ra trong Tuyên bố chung về Đối tác toàn diện từ chuyến công du hồi năm 2017 của Tổng thống Donald Trump. "Tôi cho rằng bản thân chuyến thăm này rất quan trọng bởi nó giúp xây dựng, nuôi dưỡng niềm tin mà chúng tôi muốn bồi đắp với một đối tác" - ông Sawyer nói.
Trước câu hỏi về tác động của yếu tố Trung Quốc tới kế hoạch của Mỹ với quân đội Việt Nam, vị chỉ huy Hạm đội 7 nhấn mạnh chuyến thăm của tàu Carl Vinson hoàn toàn mang tính quan hệ quân sự và quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam. Về phần mình, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM Mary Tarnowka khẳng định sự kiện này thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với một Việt Nam vững mạnh, độc lập và thịnh vượng; đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ với một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở cũng như một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Về vấn đề biển Đông, Phó Đô đốc Sawyer chỉ rõ các hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa của Trung Quốc đang gây bất an trong khu vực, đồng thời tiềm tàng khả năng phá hoại an ninh và ổn định của khu vực, gây quan ngại lớn. Theo Chuẩn Đô đốc Fuller, các chiến dịch của nhóm tàu sân bay Carl Vinson ở Tây Thái Bình Dương sẽ tiếp tục ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như trong suốt 70 năm qua.
Cũng trong ngày 6-3, đoàn tàu sân bay USS Carl Vinson đã thăm nhiều trung tâm bảo trợ xã hội tại TP Đà Nẵng như Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần và Làng trẻ em SOS. Tại các địa điểm này, những người lính Hải quân Mỹ đã cùng hòa mình vào nhiều trò chơi dân gian và văn nghệ. Chiều cùng ngày, đoàn đầu bếp của Hải quân Mỹ trên tàu USS Carl Vinson đã giao lưu ẩm thực với các đầu bếp của nhà hàng Madame Lân (quận Hải Châu) và được giới thiệu 3 món đặc sản Việt là mì Quảng, bánh xèo và nem rán. Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, đây là dịp để Đà Nẵng quảng bá ẩm thực địa phương.
Thu Hằng - Bích Vân - Thảo Lâm
Bình luận (0)