Ý có kế hoạch tiêm mũi thứ 3 cho toàn bộ người có đề kháng yếu, người lớn tuổi và nhân viên y tế, ước tính khoảng 9 triệu người. Trong khi đó, Hà Lan tiêm mũi tăng cường cho khoảng 400.000 người bị ức chế miễn dịch, còn Đan Mạch nhắm vào đối tượng nhân viên y tế và người trên 65 tuổi.
Tình hình bất nhất diễn ra giữa lúc giới chức châu Âu cảnh báo tỉ lệ phủ vắc-xin trong khu vực vẫn còn quá thấp và nhiều khả năng số ca mắc mới, nhập viện và tử vong lại tăng mạnh trong 6 tuần tới. Hiện 61% dân số châu Âu được tiêm phòng đầy đủ và chỉ có 3 nước Malta, Bồ Đào Nha, Iceland tiêm chủng cho hơn 75% dân số.
Một y tá Israel chuẩn bị vắc-xin Covid-19 ở Jerusalem hôm 3-10. Ảnh: REUTERS
Các nước đã tiêm bổ trợ đều dựa trên dữ liệu của Israel, nơi có hơn 3,4 triệu trong tổng dân số hơn 9 triệu người đã tiêm mũi thứ 3. Với ý định tiêm bổ trợ cho tất cả công dân từ 12 tuổi trở lên, Israel hôm 3-10 ban hành quy định mới nêu rõ phải tiêm mũi tăng cường mới được cấp "thẻ xanh".
Sự thay đổi này là do giới chức Israel tin rằng khả năng miễn dịch trước SARS-CoV-2 sẽ giảm đáng kể sau khi tiêm mũi thứ 2 được 5-6 tháng. Các chuyên gia nước này cũng đánh giá mũi tiêm tăng cường đã làm giảm khoảng 54% tỉ lệ ca mắc trung bình mỗi ngày ở Israel trong 2 tuần gần đây.
Trong khi đó, Reuters cho biết nhiều nước châu Á muốn mua Molnupiravir, thuốc điều trị Covid-19 dạng uống đang được công ty dược Merck của Mỹ thử nghiệm, bao gồm Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia…
Được cho là có hiệu quả đối với bất cứ biến thể nào của SARS-CoV-2, Molnupiravir đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối - kết thúc trong tháng 10 này - và Merck dự định nộp đơn xin sử dụng khẩn cấp lên Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vào đầu tháng 11. Ngay từ tháng 6, chính phủ Mỹ đã ký hợp đồng 1,2 tỉ USD để mua đủ liều Molnupiravir điều trị cho 1,7 triệu người.
Trao đổi trên đài CNN ngày 3-10, TS Anthony Fauci - cố vấn y khoa chính của Tổng thống Mỹ Joe Biden - đánh giá cao kết quả thử nghiệm Molnupiravir. Dù vậy, ông tiếp tục khuyến khích người dân Mỹ đi tiêm vắc-xin. "Kết quả thử nghiệm cho thấy thuốc này giảm nguy cơ nhập viện và tử vong lên đến 50%... Bạn có biết cách làm giảm 100% nguy cơ không? Đó là không để bị nhiễm ngay từ đầu" - ông Fauci nhấn mạnh.
Ngày 4-10, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) chính thức phê chuẩn tiêm mũi tăng cường (mũi thứ 3) vắc-xin Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho người từ 18 tuổi trở lên và thời gian tiêm là tối thiểu 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai.
Ngoài ra, cơ quan này cũng nhất trí rằng mũi tăng cường của Moderna và Pfizer/BioNTech là cần thiết đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm. Với đối tượng này, EMA khuyến cáo nên tiêm mũi thứ 3 ít nhất 28 ngày sau mũi thứ hai.
Bình luận (0)