"Phubbing" được ghép bởi 2 từ "phone" (điện thoại) và "snubbing" (phớt lờ), chỉ hành động dán mắt vào điện thoại bất chấp sự hiện diện của người khác.
Chúng ta nhìn thấy mọi người "làm lơ" khi họp hành, hẹn hò với bạn bè tại quán cà phê, ăn tối với gia đình, khi học tập và ngay cả trên giường ngủ. Trong một cuộc khảo sát, 62% những người được hỏi nói rằng họ luôn nhìn vào điện thoại thông minh dù đang trò chuyện mặt đối mặt với người khác. Và không có sự khác biệt giữa nam và nữ cũng như vị trí địa lý khi đề cập tới mức độ "làm lơ" nhiều hay ít.
“Phubbing” trở nên phổ biến trong thời đại bùng nổ điện thoại thông minh Ảnh: UNSPLASH
Những người trẻ tuổi có xu hướng "làm lơ" thường xuyên hơn những người lớn tuổi và người mà họ hay "làm lơ" lại chính là bạn đời. Nghiên cứu cũng tiết lộ người dùng điện thoại thông minh "phớt lờ" cha mẹ và con cái của mình thường xuyên hơn đồng nghiệp và khách hàng. Những phát hiện này dẫn đến đề xuất về thái độ chuyên nghiệp khi sử dụng điện thoại thông minh tại nơi làm việc.
Có một số tình huống xã hội thuận lợi hơn để mọi người "làm lơ" nhau, chẳng hạn lúc ngồi trên phương tiện giao thông công cộng, uống cà phê trong khi giải lao, nghỉ trưa, du lịch cùng nhau bằng phương tiện cá nhân và khi giao tiếp với bạn bè. Trong khi đó, mọi người ít "làm lơ" người khác hơn lúc họp hành, ăn uống với gia đình, nghe giảng và trong lớp học.
Buồn chán không phải là lý do chính khiến mọi người "phubbing". Các yếu tố khác, chẳng hạn "Hội chứng sợ bị bỏ rơi" (FOMO), thiếu tự chủ và nghiện internet, có thể đóng vai trò quan trọng hơn đối với hành vi phubbing. Không thể đánh giá "phubbing" tốt hay xấu song hành vi trên có thể không tốt cho các mối quan hệ thân thiết.
Bình luận (0)