Vụ việc nói trên tuy nhiên đã bị tạp chí Tin tức quốc phòng Mỹ tiết lộ hôm 25-9-2006. Tạp chí này cho biết nội bộ chính quyền ông Bush đã tranh cãi quyết liệt về chuyện có nên công bố tin tức về vụ TQ bắn laser vào các vệ tinh quân sự Mỹ hay không. Bởi vì TQ đang là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Hơn nữa, TQ là chìa khóa để Mỹ đối phó với những nước đang có vấn đề với Mỹ là CHDCND Triều Tiên và Iran.
Cuối cùng, bản báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ nói lướt qua sự kiện vừa kể khi đánh giá tiềm lực quân sự đang lên của TQ. Bản báo cáo cũng không nói rõ TQ đã vô hiệu hóa vệ tinh quân sự nào của Mỹ khi nào, mấy lần, có thành công hay không.
Tạp chí Tin tức quốc phòng cho biết thêm: “Sau một cuộc tranh cãi sôi nổi, Nhà Trắng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng giới hạn mối quan tâm của mình trong một dòng của bản báo cáo mới nhất. Trong dòng đó, bản báo cáo thừa nhận TQ có khả năng làm mù vệ tinh Mỹ bằng một chùm tia laser bắn từ mặt đất vào một vệ tinh do thám Mỹ khiến nó không thể chụp ảnh khi bay ngang TQ”.
Tuyên bố của bà Theresa Hitchens thuộc Trung tâm Thông tin Quốc phòng Mỹ là một ví dụ bưng bít khác. Bà cho rằng không nên vội vã kết luận điều gì về hành động của TQ. Có thể Bắc Kinh chỉ thử theo dõi chớ không có ý định phá hủy vệ tinh. Bà nói: “Chúng tôi không rõ ý định của TQ và chúng tôi cũng không có khả năng đó”.
Lầu Năm Góc lo lắng
Bà Hitchens còn quả quyết rằng rất khó vô hiệu hóa một vệ tinh bằng tia laser. Ngay các nhà khoa học Mỹ cũng không triển khai một hệ thống như thế. Thế nhưng các nhà lập pháp Mỹ nghi ngờ tuyên bố của bà Hitchens. Thực tế là nhiều hạ nghị sĩ đã từng ngăn chặn một kế hoạch thử nghiệm Starfire, một chương trình theo dõi vệ tinh và các vì sao sẽ được triển khai trong năm 2007 này sau khi họ nghe được thông tin, theo đó Mỹ sẽ dùng chương trình này như vũ khí chống vệ tinh. Chỉ sau khi không quân Mỹ cam kết với các hạ nghị sĩ rằng nó chỉ dùng để theo dõi thì ngân sách của chương trình này mới được thông qua.
Một vệ tinh trong hệ thống GPS của Mỹ |
Phản ứng trước thông tin trên của tờ Tin tức quốc phòng, Donald Kerr, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia của Bộ Quốc phòng Mỹ, thừa nhận rằng có việc đó nhưng lại nhấn mạnh rằng khả năng thu thập thông tin tình báo của vệ tinh Mỹ không bị hề hấn gì. “Nó chỉ làm chúng tôi phải suy nghĩ”- Kerr bình luận.
Thật vậy, các chiến dịch quân sự Mỹ ở hải ngoại càng ngày càng lệ thuộc vào những dữ liệu vệ tinh từ chuyện xác định mục tiêu oanh kích đến chuyện do thám các nước thù địch. Mỹ hiện có một chùm 30 vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) giúp các lực lượng Mỹ xác định vị trí của địch để tiện việc ném bom. Hệ thống này cũng được ứng dụng đại trà vào các dịch vụ thương mại, từ hệ thống giao thông xe cộ đến máy rút tiền ATM.
Bộ Quốc phòng cũng trông cậy nhiều vào các vệ tinh viễn thông để chuyển những thông tin nhạy cảm đến các chỉ huy chiến trường. Các vệ tinh này theo dõi thời tiết ở những vùng có xung đột nhằm giúp các lực lượng Mỹ lên kế hoạch tác chiến. Bởi vậy tầm quan trọng của việc TQ “vuốt râu hùm Mỹ” đã được những người có trách nhiệm ở Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng phân tích rất kỹ. Và như thế, khi ông Kerr nói “chỉ làm cho chúng tôi suy nghĩ” thì mọi người hiểu là ông có ý hạ thấp mức nghiêm trọng của vấn đề.
Dẫn nguồn tin từ các quan chức cấp cao Mỹ, tờ Tin tức quốc phòng cho biết, TQ không chỉ có khả năng mà còn bắn tập rồi. Chỉ có điều không rõ lần đầu tiên TQ dùng laser tấn công vệ tinh Mỹ là khi nào. Cũng không rõ họ đã thực hiện bao nhiêu vụ thử trong nhiều năm qua. Bởi hiện nay khả năng xác định nguyên nhân làm hỏng hóc các vệ tinh là khá mơ hồ. Rất khó biết đó là do trục trặc kỹ thuật, thời tiết thất thường (bão mặt trời chẳng hạn) hay bị tấn công bằng tia laser. Theo Kevin Chilton, Tư lệnh Không quân vũ trụ Mỹ, thường rất khó biết chuyện gì đã xảy ra trên những vệ tinh bay ở độ cao từ 200 đến 35.840 km.
Tờ báo cũng cho biết thêm Bộ Quốc phòng lo lắng đến mức đã tiến hành những cuộc bắn thử cũng bằng súng laser vào các vệ tinh của mình để xác định mức nghiêm trọng của mối đe dọa TQ. Tất cả các vệ tinh đều dễ bị tấn công vì đường bay của nó đã được lập trình trước, địch thủ biết nó sẽ xuất hiện ở đâu và khi nào.
Câm, điếc và mù
Phân tích ý đồ của TQ qua việc bí mật thử dùng laser để làm mù vệ tinh Mỹ, Andrew Krepinevich thuộc Trung Tâm Thẩm định ngân sách và chiến lược ở Washington tin rằng chiến lược quân sự của TQ không nhằm đối đầu trực diện với Mỹ mà chỉ muốn quấy rối lực lượng Mỹ trong khu vực khiến Mỹ tránh xa biên giới TQ. Chiến lược đó cũng nhằm thách thức từng ưu thế của Mỹ từ vệ tinh quân sự cho đến tàu ngầm.
Alex Neil, người phụ trách Chương trình An ninh châu Á của tổ chức Royal United Services Institute, nhận định rằng hành động của TQ chứng minh rằng họ có thể theo dõi , làm mù hoặc hủy diệt vệ tinh. TQ cũng biết rằng trong trường hợp đối đầu với Mỹ ở eo biển Đài Loan, làm hỏng các vệ tinh Mỹ sẽ biến các lực lượng của Mỹ thành câm, điếc và mù.
Nhật báo Anh The Telegraph, dẫn lời các chuyên gia quân sự Mỹ, nhấn mạnh rằng TQ đang thách thức các ưu thế quân sự của Mỹ bằng cách đầu tư mạnh vào việc sản xuất những vũ khí có thể tấn công những hệ thống chủ lực của Mỹ như tàu sân bay và vệ tinh quân sự. Như vụ TQ cho tàu ngầm xáp đến gần tàu sân bay USS Kitty Hawk mà chỉ huy tàu này không hề hay biết.
Bình luận (0)