Người thân và bạn bè Nomimizu không tin anh bận rộn đến thế. Để chứng minh, Nomimizu đã ghi hình lại một tuần sinh sống của “người làm công ăn lương” thuộc ngành dịch vụ tài chính Nhật Bản trong mùa cao điểm của ngành (kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3) vào năm 2015.
Đoạn video được tải lên YouTube và thu hút hơn 1 triệu lượt xem, trong đó mô tả anh Nomimizu, 26 tuổi, làm việc đến 78 giờ và chỉ có 35 giờ để ngủ từ thứ hai đến thứ bảy. Đến chủ nhật, anh làm thêm 6 giờ. Đỉnh điểm là Nomimizu có lần bị ngất tại nhà sau nhiều tuần làm 80 giờ.
Hồi tháng 10-2016, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố báo cáo đầu tiên của chính phủ về hiện tượng “karoshi” (chết vì làm việc quá sức). Theo đó, khoảng 23% công ty có nhân viên làm tăng ca hơn 80 giờ/tháng. Thế nhưng, theo đài BBC, anh Nomimizu cho rằng việc người Nhật làm nhiều giờ hơn không tạo ra hiệu suất cao hơn đồng nghiệp các nước khác. Không những thế, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy làm việc nhiều giờ gây hại cho sức khỏe người lao động cũng như giảm hiệu suất làm việc của cả công ty.
Mỹ là một quốc gia khác nổi tiếng về việc nhân viên làm nhiều giờ và ít thời gian nghỉ ngơi. Theo cuộc thăm dò gần đây của Viện Gallup (Mỹ), một nhân viên làm việc toàn thời gian ở nước này làm trung bình 47 giờ/tuần và khoảng 18% người lao động làm việc từ 60 giờ trở lên mỗi tuần. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác ở Mỹ cho thấy những người làm việc nhiều giờ lại khó có khả năng nhận được nhiều tiền thưởng như các đồng nghiệp trong 3 năm qua.
“Não người, giống với bất kỳ thứ gì khác, không thể hoạt động liên tục. Khi con người làm việc quá giới hạn, họ dễ mắc sai lầm cũng như không nghĩ ra sáng kiến tốt nhất và thiếu năng lượng để giải quyết vấn đề” - bà Laura Vanderkam, một chuyên gia quản lý thời gian, giải thích với đài BBC.
Nhiều người lao động thường tin là họ nên có mặt ở nơi làm việc khi sếp có mặt và cả khi không có mặt. Tuy nhiên, bà Vanderkam cho rằng đó là quan điểm sai lầm. Thêm vào đó, việc nhiều người không dám nghỉ trưa vì sợ mang tiếng lười biếng chỉ càng gây hại cho hiệu suất làm việc của bản thân. Một số nghiên cứu tương tự cũng cảnh báo mối liên hệ giữa làm việc nhiều giờ với tình trạng suy giảm trí nhớ dài hạn và hạn chế kỹ năng ra quyết định.
Một số tập đoàn lớn ở Nhật Bản đang đi đầu trong nỗ lực đối phó vấn đề trên. Chẳng hạn, hãng xe Toyota giới hạn thời gian tăng ca ở mức 360 giờ/năm. Trong khi đó, hãng Dentsu khuyến khích nhân viên đi nghỉ mát thường xuyên và tắt đèn phòng làm việc trước 22 giờ. Tại Đức, các công ty lớn như BMW và Volkswagen hạn chế gửi email cho nhân viên sau giờ làm việc. Ở Mỹ, các ngân hàng đầu tư hàng đầu như Credit Suisse và JP Morgan Chase ra quy định mới hạn chế nhân viên đến văn phòng vào cuối tuần.
Bình luận (0)