Robot đang “cướp” ngày càng nhiều việc làm của con người, các chính phủ cần phải trả lương cho toàn dân, bất kể họ giàu hoặc nghèo, thất nghiệp hay đi làm.
Trả lương vô điều kiện
Quan điểm cấp tiến mới nghe có vẻ trái tai này lại đang gây xáo trộn chính trường nhiều nước trên thế giới. Không ít người tỏ ra dè dặt và thậm chí trong cuộc bỏ phiếu tiên phong do chính phủ Thụy Sĩ khởi xướng vào tháng 6-2016, đa số người dân dứt khoát nói “không” với thu nhập cơ bản và vô điều kiện cho toàn dân. Dù vậy, nhiều quốc gia châu Âu và cả Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy những kế hoạch liên quan.
Chẳng hạn tại Pháp, 2 trong số 7 ứng viên chạy đua để đại diện cho Đảng Xã hội cầm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay đều hứa hẹn sẽ trả những khoản thu nhập thường xuyên cho các công dân trưởng thành. Các hệ thống, máy móc tự động ngày càng thay thế con người trong nhiều công việc khiến nước Pháp có thể mất 3 triệu việc làm vào năm 2025, cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp Benoit Hamon - người đang theo đuổi chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp - cảnh báo.
Để thu hút cử tri, ứng viên này cam kết sẽ dần dần đưa ra kế hoạch trả lương vô điều kiện cho toàn dân. Theo ông Hamon, khi việc làm khan hiếm hơn, một khoản thu nhập thường xuyên, dù khiêm tốn, sẽ giúp con người đỡ lo sợ về tương lai, đồng thời họ có thể giải phóng bản thân để dành thời gian cho gia đình và những điều thiết thực khác. Khoản tiền “dặm túi” cũng có thể khuyến khích người ta mạo hiểm dấn thân vào những điều mới mẻ.
Cùng quan điểm với ông Hamon, cựu nghị sĩ Nghị viện châu Âu Jean-Luc Bennahmias - một ứng viên Đảng Xã hội khác, nhấn mạnh đừng ảo tưởng về sự trở lại của thời kỳ bùng nổ việc làm, những ngày ai cũng có công ăn việc làm. Kết quả một nghiên cứu của Trường ĐH Oxford (Anh) năm 2015 cũng phụ họa lập luận này khi dự báo gần một nửa việc làm ở Mỹ có nguy cơ bị tự động hóa.
Theo AP, một cuộc thử nghiệm quy mô nhỏ kéo dài 2 năm đối với 2.000 người thất nghiệp được chọn ngẫu nhiên tại Phần Lan (bắt đầu từ ngày 1-1) sẽ tìm kiếm lời giải cho câu hỏi của những người phản đối thu nhập cơ bản toàn dân: Liệu những người được “biếu không” 600 USD mỗi tháng có trở nên lười làm việc hay không? Tại nhiều nước khác ở châu Âu và Mỹ, nhà chức trách cũng đang có những kế hoạch thử nghiệm tương tự.
“Nhân quyền” cho robot
Tỉ phú Mỹ Elon Musk, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của các công ty đình đám như SolarCity, Tesla và SpaceX, hồi tháng 11-2016 dự báo robot và trí tuệ nhân tạo sẽ là lực lượng lao động chính trong tương lai. Khi đó, theo ông Musk, các chính phủ không còn lựa chọn nào khác là trả lương cho toàn dân để họ có thể sống qua ngày trong bối cảnh việc làm ngày càng ít đi.
Ở chiều ngược lại, một câu hỏi đáng chú ý khác được đặt ra: Khi robot cáng đáng công việc của con người, liệu chúng có được bảo vệ quyền lợi? Tờ The Guardian hôm 12-1 đưa tin Nghị viện châu Âu đang hối thúc soạn thảo bộ quy định về vấn đề chế tạo, sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo, trong đó có hình thái được gọi là “con người điện tử”, để bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm cho chúng.
Trước mắt, Ủy ban Các vấn đề pháp lý của Nghị viện châu Âu đã thông qua báo cáo phác thảo bộ khung của quy định. Nghị sĩ Mady Delvaux, người Luxembourg, tác giả của báo cáo giải thích: “Robot ngày càng ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực đời sống của con người nên việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý đối với chúng là vấn đề cấp bách để có thể bảo đảm chúng vẫn tiếp tục phục vụ con người”. Quyết định cuối cùng sẽ được định đoạt trong cuộc bỏ phiếu của toàn bộ thành viên Nghị viện châu Âu vào tháng 2 tới.
Bình luận (0)