Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới (WEO) được công bố hôm 12-10, IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống 5,9% so với mức 6% như trong dự báo được đưa ra hồi tháng 7. Tuy nhiên, IMF vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu vào năm 2022 ở mức 4,9%.
Bà Gita Gopinath, cố vấn kinh tế và giám đốc nghiên cứu của IMF, thúc giục các ngân hàng trung ương nên chuẩn bị hành động nhanh chóng nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở nên hữu hình hơn trong quá trình phục hồi kinh tế.
Người dân Mỹ mua sắm ở TP Philadelphia, bang Pennsylvania - Mỹ hôm 11-10. Ảnh: REUTERS
Sự mất cân bằng về cung cầu đã khiến giá tăng và đẩy lạm phát lên mức cao. IMF dự báo vào năm 2022 lạm phát sẽ trở lại mức trước khi bùng phát dịch nhưng cũng cảnh báo tình trạng đứt gãy nguồn cung kéo dài có thể làm thay đổi các dự báo về lạm phát.
Tổ chức này kêu gọi các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang (FED) Mỹ nên sẵn sàng thắt chặt chính sách trong trường hợp lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát.
Theo đài CNBC, Giám đốc điều hành Ngân hàng JPMorgan Chase (Mỹ) Jamie Dimon nhận định các vấn đề về chuỗi cung ứng góp phần khiến giá cả leo thang sẽ được cảm nhận rõ ràng hơn vào năm 2022.
Dự báo tăng trưởng nền kinh tế Mỹ được điều chỉnh giảm mạnh nhất, từ 7% xuống còn 6% trong năm 2021. Theo WEO, tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Trung Quốc được dự báo giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm xuống còn 8%, nhờ sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của đầu tư công.
IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 1,4 điểm phần trăm đối với mốt số nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
IMF cho rằng sự chênh lệch nguy hiểm về triển vọng kinh tế do mất cân bằng lớn về phân bổ vắc-xin khi 96% dân số ở các nước có thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm phòng. Điều này dẫn đến sự tăng trưởng thấp kéo dài, gia tăng nghèo đói và nguy cơ lạm phát.
Bình luận (0)