Trong khi IMF cho biết họ phần lớn đồng tình với đánh giá từ FED và nhiều nhà kinh tế rằng đà tăng giá toàn cầu hiện nay sau cùng sẽ giảm bớt nhưng lưu ý rằng vẫn có sự không chắc chắn cao về những dự báo đó.
Dự báo chính của IMF là lạm phát sẽ tăng mạnh vào cuối năm, vừa phải vào giữa năm 2022 và sau đó giảm trở lại mức trước đại dịch.
Lời cảnh báo được đưa ra đề cập đến Mỹ, cũng như Anh và các nền kinh tế phát triển khác là những nơi có rủi ro lạm phát tăng.
IMF hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, cắt giảm dự báo GDP của Mỹ 1 điểm %. Ảnh: Reuters
Bà Gita Gopinath, cố vấn kinh tế và giám đốc nghiên cứu của IMF, cho biết: "Mặc dù chính sách tiền tệ nhìn chung có thể dự báo sự gia tăng lạm phát nhất thời nhưng các ngân hàng trung ương nên chuẩn bị hành động nhanh chóng nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở nên hữu hình hơn trong quá trình phục hồi".
Các quan chức FED cho rằng vũ khí chính để chống lại lạm phát là tăng lãi suất. Ngân hàng trung ương Mỹ đã không tăng lãi suất kể từ năm 2018.
Cảnh báo nói trên là một phần trong bản cập nhật hằng quý của IMF về các điều kiện kinh tế toàn cầu. IMF hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, cắt giảm dự báo GDP của Mỹ 1 điểm % so với dự báo tăng trưởng hồi tháng 7 còn 6%, cao hơn mức dự báo 5,2% cho tất cả các nền kinh tế phát triển.
Với lạm phát đang ở mức cao nhất trong 30 năm qua ở Mỹ, FED đang chật vật với việc khi nào bắt đầu rút lại chính sách đã áp dụng kể từ khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 bắt đầu vào đầu năm 2020.
Dù IMF không chỉ ra FED nhưng phần lớn đánh giá của họ về lạm phát đã gián tiếp đề cập đến việc điều chỉnh chính sách lớn mà ngân hàng trung ương Mỹ từng thực hiện vào tháng 9-2020, thời điểm FED nói rằng sẵn sàng cho phép lạm phát tăng cao hơn bình thường vì lợi ích của việc tạo ra việc làm đầy đủ và toàn diện.
IMF cho biết chính sách đó sẽ đặt ra một số nguy hiểm nếu nguy cơ lạm phát bắt đầu tăng cao. Theo IMF, việc chờ đợi việc làm phục hồi mạnh mẽ hơn có nguy cơ khiến lạm phát tăng, sau đó sẽ phá hoại chính sách của FED.
IMF cho rằng thông tin liên lạc sẽ là chìa khóa để tránh những cú sốc gây gián đoạn cho nền kinh tế do những thay đổi trong chính sách.
Theo báo cáo của IMF, sự kết nối chưa từng có giữa các nước giúp thông tin minh bạch và rõ ràng về triển vọng của chính sách tiền tệ càng trở nên quan trọng hơn.
Giám đốc điều hành Tập đoàn tài chính JPMorgan Chase Jamie Dimon cũng cho rằng các vấn đề về chuỗi cung ứng góp phần làm tăng giá sẽ rõ ràng hơn vào năm 2022.
IMF cảnh báo sự chênh lệch nguy hiểm về triển vọng kinh tế do sự mất cân bằng lớn về nguồn cung vắc-xin, khi 96% dân số ở các nước có thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm phòng, dẫn đến tăng trưởng thấp hơn trong thời gian dài, nghèo đói gia tăng và nguy cơ lạm phát tăng vọt.
Bình luận (0)