Là gương mặt mới trên chính trường Hàn Quốc, ông Yoon Suk-yeol, người có 27 năm làm công tố viên, sẽ đối mặt với một loạt thách thức khi kế nhiệm Tổng thống Moon Jae-in vào ngày 10-5 tới.
Điểm tựa quốc phòng
Mối đe dọa từ Triều Tiên luôn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Yoon. Trong giai đoạn tranh cử, phần lớn chiến dịch của ông Yoon tập trung vào lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên, khác biệt với cách tiếp cận hiện tại của Tổng thống Moon, vốn luôn thúc đẩy đối thoại và hòa giải hòa bình.
Ông Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Triều Tiên tại Viện Sejong, cho biết các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên đã đình trệ kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vào năm 2019.
Ông Cheong nhận định: "Khó có thể mong đợi bất kỳ tiến triển nào trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trừ khi chính quyền kế nhiệm đưa ra một giải pháp phi hạt nhân hóa có thể chấp nhận được đối với cả Mỹ và Triều Tiên".
Ông Yoon từng cam kết sẽ xây dựng quân đội Hàn Quốc, thậm chí còn ám chỉ sẽ tấn công phủ đầu nếu nhận thấy dấu hiệu về một cuộc tấn công nhằm vào Seoul.
Tân Tổng thống Yoon Suk-yeol bắt tay những người ủng hộ trong chiến dịch tranh cử ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc hôm 1-3 .Ảnh: REUTERS
Khi còn tranh cử, ông Yoon luôn nhấn mạnh sẽ không nới lỏng các biện pháp trừng phạt hoặc chuẩn bị một hiệp ước hòa bình cho đến khi Triều Tiên nỗ lực tích cực trong việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng được.
Phát biểu tại Seoul ngày 24-1, ông Yoon nói rằng cánh cửa ngoại giao và đối thoại sẽ luôn để ngỏ nhưng ông sẽ theo đuổi một nền hòa bình dựa trên thế trận quốc phòng vững chắc.
Theo đài CNN, các chuyên gia cảnh báo đường lối cứng rắn của tân tổng thống Hàn Quốc có thể khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi. Một số người lo ngại căng thẳng quân sự có thể quay trở lại mức khủng hoảng như năm 2017, thời điểm mà Triều Tiên tích cực thử nghiệm vũ khí khiến Mỹ - Hàn Quốc phải gia tăng sức mạnh quân sự.
Việc ông Yoon cầm quyền cũng có thể làm thay đổi mối quan hệ của Hàn Quốc với hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc. Từ nhiều năm qua, Hàn Quốc đã thắt chặt quan hệ đồng minh an ninh với Mỹ và mối quan hệ kinh tế ngày càng phát triển với Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà Kim Jiyoon, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội của Trường ĐH Sogang (Hàn Quốc), cho rằng thời gian và giai đoạn của kiểu quan hệ "đi dây" truyền thống đó sắp kết thúc.
Hàng loạt vấn đề trong nước
Về vấn đề này, tân tổng thống 61 tuổi đã sớm nói rõ sẽ ưu tiên mối quan hệ nào. Hồi tháng 1, ông Yoon từng nói Hàn Quốc phải tái thiết lập liên minh với Mỹ. Ông chỉ ra những lợi thế công nghệ có được từ một liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ có thể giúp Hàn Quốc duy trì vị thế trước các quốc gia cạnh tranh, bao gồm cả Trung Quốc.
Để thúc đẩy quan hệ hai bên, tân Tổng thống Yoon đã gợi ý về việc lắp đặt hệ thống tên lửa chống đạn đạo thứ hai, động thái chắc chắn sẽ chọc giận Trung Quốc.
Hàn Quốc hồi năm 2016 lần đầu tuyên bố triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ để đề phòng tên lửa Triều Tiên. Bắc Kinh chỉ trích việc này sẽ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc, dẫn đến căng thẳng ngoại giao kéo dài nhiều năm.
Trong nước, tân tổng thống cũng phải xử lý hàng loạt vấn đề gồm bất bình đẳng giới, khôi phục kinh tế hậu đại dịch Covid-19, nợ công, dân số già, nạn tham nhũng và chia rẽ chính trị...
Việc ông Yoon từng hứa hẹn bãi bỏ Bộ Bình đẳng giới khi tranh cử nhằm thu hút cử tri nam trẻ tuổi vấp phải phản ứng dữ dội. Nam giới Hàn Quốc ở độ tuổi ngoài 20 và 30 chống lại cái mà họ cho là "phân biệt đối xử ngược" xuất phát từ chủ nghĩa nữ quyền và các chính sách tập trung vào phụ nữ.
Tuy nhiên, việc ông Yoon có thể thực hiện cam kết này hay không vẫn cần có sự chấp thuận của quốc hội - nơi Đảng Dân chủ cầm quyền đang kiểm soát.
Theo tờ Korea Herald, hai vấn đề chính mà ông Yoon đề cập khi tranh cử là việc làm và nhà ở. Đối diện với áp lực từ người dân về giá nhà tăng cao, tân tổng thống Hàn Quốc cam kết giảm thuế bất động sản và xây dựng 2,5 triệu ngôi nhà mới vào năm 2026, bao gồm những ngôi nhà nhỏ phù hợp với khả năng tài chính của thanh niên ở độ tuổi 20-30.
Ông Yoon cũng hứa hẹn về một xã hội công bằng mà trong đó thanh niên được phát triển vì tương lai của chính họ.
Từng tham gia truy tố 2 cựu tổng thống
Là một công tố viên gạo cội, ông Yoon Suk-yeol từng tham gia quá trình truy tố 2 cựu Tổng thống Hàn Quốc là bà Park Geun-hye và người tiền nhiệm của bà, ông Lee Myung-bak.
Sự nghiệp công tố lẫy lừng của ông còn bao gồm nhiều lần "đột phá" vào giới chính trị gia lẫn tài phiệt đầy quyền lực. Dấu ấn quan trọng của ông ghi lại trong các cuộc điều tra liên quan đến Cơ quan Tình báo quốc gia, ban lãnh đạo Tập đoàn Samsung và một cựu chánh án Tòa án Tối cao Hàn Quốc về tội tham nhũng...
Theo hãng tin Tân Hoa xã, tháng 5-2017, Tổng thống Moon Jae-in đã bổ nhiệm ông Yoon làm chánh văn phòng công tố quận Seoul, sau đó bổ nhiệm ông làm tổng công tố vào tháng 7-2019.
Ông Yoon từ chức tổng công tố vào tháng 3-2021 và tuyên bố tranh cử tổng thống vào tháng 6 cùng năm. Sau đó 1 tháng, ông gia nhập Đảng Quyền lực Quốc dân đối lập.
Vào ngày 10-3 năm nay, ông Yoon giành chiến thắng sít sao trước đối thủ Lee Jae-myung của Đảng Dân chủ cầm quyền, trở thành tổng thống thứ 20 của Hàn Quốc.
Bình luận (0)