Ông Ferdinand Bote, 57 tuổi, trở thành cái tên mới nhất trong danh sách thị trưởng bị sát hại tại Philippines kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền và khởi động chiến dịch chống ma túy vào năm 2016.
Tin xấu liên tiếp
Người đứng đầu thị trấn General Tinio, tỉnh Nueva Ecija đang ngồi trên chiếc Toyota Fortuner của mình - do vệ sĩ kiêm tài xế Jennifer "Jokoy" Salvador cầm lái - rời khỏi một tòa nhà chính phủ vào khoảng 17 giờ ngày 3-7 (giờ địa phương) thì bị tay súng ngồi trên xe máy (gồm 2 tên) nã đạn liên tục bằng súng ngắn. Thị trưởng Bote qua đời sau đó, tay súng trốn thoát, còn tại hiện trường cảnh sát thu được 18 vỏ đạn.
Cảnh sát đang tìm hiểu động cơ gây án và cũng chưa rõ vụ sát hại ông Bote có liên quan tới cái chết của Thị trưởng Antonio Halili, 72 tuổi, trước đó hơn 24 giờ hay không. Thị trưởng TP Tanauan của tỉnh Batangas bị sát thủ đoạt mạng ngay trước mắt hơn 70 nhân viên tòa thị chính giữa lễ chào cờ sáng 2-7.
Trong báo cáo của Cảnh sát quốc gia Philippines vùng Calabarzon, sát thủ được mô tả là "thiện xạ" khi giết chết ông Halili chỉ bằng một viên đạn xuyên qua chiếc điện thoại ông để trong túi áo rồi ghim trúng ngực trái, làm tổn thương tim, gan.
Đám tang Thị trưởng Antonio Halili tại TP Tanauan Ảnh: RAPPLER
Tính luôn 2 ông Bote và Halili, đã có 10 thị trưởng và 4 phó thị trưởng thiệt mạng trong khoảng thời gian từ tháng 7-2016 tới tháng 7-2018, theo trang Rappler (Philippines).
Đa phần họ bị giết bởi các tay súng chưa rõ danh tính như Phó Thị trưởng Aaron Sampaga của TP Pamplona, tỉnh Cagayan (tháng 5-2016); Phó Thị trưởng Anwar Sindatuk của TP Datu Saudi Ampatuan, tỉnh Maguindanao (bị bắn chết trong bữa tiệc tại nhà riêng vào tháng 11-2016); Thị trưởng Mohammad Exchan Limbona của TP Pantar, tỉnh Lanao del Norte Mayor bị phục kích khi đang đi cùng vợ, con gái và 2 vệ sĩ (tháng 12-2016)...
Đáng chú ý, nữ Thị trưởng Gisela Bendon-Boniel của TP Bien Unido, tỉnh Bohol nghi bị chồng bắt cóc và giết hại vào tháng 7-2016, tới nay vẫn chưa tìm thấy thi thể.
"Không ai an toàn nữa..."
Hai thị trưởng bị sát hại liên tiếp trong 2 ngày khiến Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo hôm 4-7 lên tiếng kêu gọi người dân đoàn kết chống lại "văn hóa bạo lực", đồng thời thúc giục chính quyền - đặc biệt là cảnh sát - đặt dấu chấm hết làn sóng giết chóc nhắm vào quan chức chính phủ, linh mục... kéo dài thời gian qua. Ngoài số quan chức địa phương kể trên, ít nhất 3 linh mục bị bắn chết kể từ tháng 12-2017.
Thượng nghị sĩ đối lập Antonio Trillanes IV đổ lỗi "văn hóa bạo lực" rộ lên dưới thời Tổng thống Duterte. Theo thống kê chính thức, chiến dịch chống ma túy trong 2 năm qua khiến hơn 4.200 nghi phạm ma túy thiệt mạng nhưng ông Trillanes cho rằng con số thực sự là khoảng 20.000. Phía cảnh sát nói nghi phạm bị giết vì chống lại lực lượng thực thi pháp luật trong khi các nhóm bảo vệ nhân quyền gọi đó là "giết người không qua xét xử".
"Không ai an toàn nữa. Ông Duterte đã hứa khôi phục hòa bình và trật tự cho đất nước trong lúc tranh cử. Thật mỉa mai khi chính ông ta biến Philippines thành thủ đô án mạng của châu Á" - kênh Al Jazeera dẫn thông cáo của ông Trillanes.
Trong số thị trưởng bị giết, ít nhất 4 người, kể cả Thị trưởng Halili, có tên trong "danh sách nhúng chàm" - bao gồm 150 thị trưởng, thẩm phán, sĩ quan cảnh sát bị tố dính líu tới buôn bán ma túy. Ông Samsudin Dimaukom (Thị trưởng Datu Saudi Ampatuan) bị bắn chết trong cuộc đọ súng với cảnh sát quốc gia hồi tháng 10-2016. Kịch tính hơn, ông Reynaldo Parojinog (Thị trưởng Ozamiz) bị cảnh sát bắn chết cùng 14 người khác, trong đó có vợ, anh trai và em gái, vào tháng 7-2017. Riêng Thị trưởng Rolando Espinosa Sr của TP Albuera, tỉnh Leyte bị bắn chết trong lúc bị giam giữ hồi tháng 11-2017.
Với tâm trạng lo sợ, một tổ chức của các thị trưởng Philippines kiến nghị Tổng thống Duterte làm rõ "danh sách nhúng chàm" nêu trên. Thị trưởng Marie Fe Brondial, Chủ tịch Liên đoàn Chính quyền đô thị Philippines, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh địa phương rằng họ mong muốn tổng thống trao trả quyền giám sát cảnh sát cho một số thị trưởng. Năm ngoái, ông Duterte tước quyền này của nhiều thị trưởng, bao gồm ông Halili.
Bình luận (0)