Chưa tính cưới
47 tuổi, từng có 2 đời chồng và có 3 đứa con riêng, bà Trierweiler âm thầm giúp người chồng chưa bao giờ cưới yên tâm với sự nghiệp chính trị vốn “thăng ít, trầm nhiều”. Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống vừa qua, chính bà là người giúp ông Hollande giảm 10 kg, thay đổi hình tượng từ một người béo tròn, hồng hào, dễ tính, thành một chính khách vóc dáng gọn ghẽ, nhanh nhẹn, biết nhìn xa trông rộng và đáng tin cậy trong mắt cử tri.
Bà Valérie Trierweiler (bên phải) sau lưng ông Hollande trong ngày chiến thắng. Ảnh: G.I
Bà Trierweiler ít khi xuất hiện bên cạnh ông Hollande trong quá trình ông vận động tranh cử. Thỉnh thoảng, bà mới tháp tùng ông trong những sự kiện chính trị lớn nhưng ngay cả lúc đó bà cũng chọn một vị trí khiêm tốn ở hậu trường. Bà từ chối mọi đề nghị phỏng vấn với lý do “chúng tôi không đi vận động tranh cử với tư cách là vợ chồng”.
Thái độ dứt khoát của bà Trierweiler khiến báo chí Pháp dùng từ “bạn đời” để gọi bà chứ không dùng từ “vợ” ông Hollande. Ngay cả chuyện cưới hỏi sau khi ông Hollande đắc cử tổng thống cũng không được bà đặt ra, bất chấp đó là nguyện vọng của người dân Pháp bởi họ thích có một vị tổng thống có gia đình đàng hoàng.
Ông Hollande cũng có quan điểm tương tự. Trước câu hỏi “ông có ý định cưới bà Trierweiler hay không?” trong lúc đi vận động bầu cử, ông Hollande đã trả lời dứt khoát: “Hôn nhân là một sự lựa chọn của cá nhân tôi và Valérie. Không ai làm đám cưới vì lý do nghi thức”.
Ngay cả chuyện trở thành đệ nhất phu nhân, bà Trierweiler cũng không quan tâm cho lắm. Trả lời phỏng vấn trước khi diễn ra bầu cử, bà Trierweiler nói: “Nghi thức quy định sao tôi làm vậy. Nhưng tôi chưa bao giờ ước mơ trở thành đệ nhất phu nhân bởi vì tôi sợ mất tự do. Tôi không đi tìm sự nổi tiếng và tôi cũng không muốn được chú ý quá nhiều”.
Rắc rối ngoại giao
Ông François Hollande tự cho là một người bình thường, nếu làm tổng thống ông cũng là một vị “tổng thống bình thường”. Thế nhưng ông sẽ là vị tổng thống Pháp đầu tiên không có vợ chính thức mặc dù ông từng chung sống như vợ chồng 30 năm với bà Ségolène Royal, đương kim Chủ tịch Hội đồng vùng Poitou-Charentes và có 4 mặt con. Phu nhân hiện nay của ông, bà Valérie Trierweiler, cũng không phải là vợ chính thức có cưới hỏi đàng hoàng.
Đối với người Pháp, đó không phải là một vấn đề gì ghê gớm. So với Mỹ và nhiều nước khác, số vợ chồng có cưới hỏi ít hơn nhiều. Số liệu năm 2011 của Pháp cho thấy có đến 38,4% người chưa vợ, bao gồm cả những người đã có bạn đời hợp pháp nhưng không làm đám cưới.
Nhưng đối với các nước khác, tình trạng gia đình của ông Hollande có thể gây rắc rối. Về mặt kỹ thuật mà nói, không thể gọi bà Valerie Trierweiler là đệ nhất phu nhân đối với những nước coi chuyện chung sống như vợ chồng nhưng không cưới hỏi là vô đạo như Ả Rập Saudi, Indonesia, Ấn Độ hay các nước có truyền thống bảo thủ như Mỹ, Anh. Một chuyến thăm chính thức Vatican của Tổng thống Hollande cũng có thể trở thành chuyện tế nhị đối với ông bà Hollande.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nghi thức ngoại giao quốc tế có những điều luật bất thành văn. Do đó có thể tùy trường hợp cụ thể mà giải quyết.
Vẫn tiếp tục làm báo
Bà Valérie Trierweiler sẽ làm gì nếu trở thành đệ nhất phu nhân? Theo nhật báo Anh The Guardian, bà Trierweiler có thể làm một cuộc cách mạng thay đổi vai trò của đệ nhất phu nhân.
Trong cuộc vận động tranh cử của ông Hollande, bà Trierweiler từng tuyên bố rằng bà sẽ không bỏ nghề làm báo nếu ông Hollande đắc cử. Bà sẽ tiếp tục làm việc ở Paris-Match để có tiền nuôi con. Bà không muốn ở không lãnh tiền nhà nước để ăn diện thật đẹp làm “nở mày nở mặt” tổng thống hay đi làm từ thiện như các đệ nhất phu nhân khác.
Giống như ông Hollande, phong cách của bà Trierweiler thuộc dạng “phản thời trang”. Bà đã thể hiện nhất quán phong cách này trong suốt cuộc vận động bầu cử của chồng. Bà đi sắm quần áo ở các chợ chứ không vào các shop thời trang cao cấp.
Kỳ tới: Ngồi chiếc ghế nóng
Bình luận (0)