Nợ công
Nợ công của Pháp hiện nay xấp xỉ 1.800 tỉ euro, phần lớn do nước ngoài nắm giữ, sẽ là thách thức số 1 đối với ông Hollande. Mức nợ này sẽ tăng trong năm nay, dự báo đạt 89% GDP vào năm 2013 trước khi giảm dần từ năm 2014. Tỉ lệ lãi suất nợ công mà Pháp phải trả hiện nay vào khoảng 48,8 tỉ euro/năm, chiếm vị trí hàng đầu trong ngân sách nhà nước, cao hơn ngân sách giáo dục và quốc phòng.
Nhiều xí nghiệp lên kế hoạch cắt giảm lao động, đóng cửa các xưởng để cải thiện năng lực cạnh tranh. Ảnh: O.F
Kinh tế gia Nicolas Bouzou thắc mắc: “Thị trường tài chính sẽ phản ứng như thế nào bởi ông Hollande cam kết trong 100 ngày đầu tiên, sẽ thực hiện lời hứa tăng 25% trợ cấp ngày tựu trường, ghìm giá xăng, dầu, nhiên liệu và thực hiện chế độ hưu trí ở tuổi 60 cho những người đi làm từ năm 18 tuổi và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ”.
Nhà kinh tế Marc Touati, tác giả cuốn Khi khu vực đồng euro nổ tung…, dự báo khả năng các hãng đánh giá mức tín dụng như Standard & Poor’s sẽ đánh tụt hạng nợ công của Pháp. Giáo sư Thomas Piketty, thuộc Trường Đại học Kinh tế Paris, lo ngại: “Những đợt sóng đầu cơ sẽ tái xuất hiện bất cứ lúc nào”. Câu hỏi đặt ra là liệu sau Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha sẽ đến lượt nước Pháp bị đánh tụt hạng?
Nhiệm vụ của ông Hollande là vực dậy lòng tin của giới tài chính. Nhất là khả năng trong việc quản lý chi tiêu công và tăng nguồn thu ngân sách mà một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ. Năm 2011, thâm hụt ngân sách ở mức 5,2% của GDP. Năm nay, ông Hollande hứa sẽ giảm xuống còn 4,5% và năm 2013 chỉ còn 3% đúng như cam kết với Liên hiệp châu Âu (EU) bằng cách tăng thuế và giảm chi tiêu.
Tăng trưởng kinh tế
Nguồn gốc nợ công của nước Pháp chính là tăng trưởng kinh tế ì ạch. Theo ông Hollande, tăng trưởng là điều kiện để giảm thâm hụt ngân sách. Bởi vậy, ông chủ trương “thắt lưng buộc bụng” không phải là chính sách duy nhất để giải quyết vấn đề nợ công mà phải thêm chính sách tăng trưởng.
Trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đồng euro lâm vào cảnh nợ nần, Tổng thống sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy để lại một di sản tăng trưởng quá yếu. Mục tiêu đặt ra trong năm nay của ông Sarkozy là 1,7%. Tuy nhiên, theo các số liệu của Ngân hàng Pháp Quốc, tăng trưởng quý I năm nay chỉ đạt 0,2% và dự báo cả năm giỏi lắm chỉ đạt 0,7%.
Ông Hollande biết rõ trong năm nay khó có thể cải thiện được gì nhiều. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo chỉ đạt 0,5% và ông Hollande cũng đặt mục tiêu ở mức đó. Những năm kế tiếp, mục tiêu của ông là tăng cường các biện pháp cần thiết để đạt 1,7% năm 2013, 2% năm 2014 và từ 2% đến 2,5% năm 2015. Thế nhưng, các nhà kinh tế ở Ngân hàng Crédit Agircole-CIB cho rằng “quá lạc quan” bởi vì thiếu một chiến lược đáng tin mang tính toàn cầu để tăng sức cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế.
Chưa biết ông Hollande có đạt được ước muốn hay không. Cuộc gặp bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, sắp tới sẽ cho chúng ta biết kết quả. Quan điểm của lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất EU này hoàn toàn khác nhau về vấn đề làm gì để giảm thâm hụt ngân sách và nợ công. Đức chủ trương “thắt lưng buộc bụng” (cắt giảm chi tiêu công và các quỹ xã hội) là biện pháp duy nhất, trong khi nước Pháp của ông Hollande muốn có thêm biện pháp tăng trưởng. Ông Hollande chống lại việc giảm đột ngột chi tiêu công vì sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách thay vì giảm nó.
Thất nghiệp
Đây là mối quan tâm thứ hai của cử tri Pháp trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua (32%). Theo thống kê mới nhất, tỉ lệ thất nghiệp trong quý I/2012 tiếp tục tăng, có thể vượt mức 10% trong mùa hè sắp tới. Dự báo đến cuối năm nay sẽ có thêm 214.000 người thất nghiệp.
Đáng lo nhất là những kế hoạch cắt giảm nhân công và đóng cửa một số nhà máy trong ngành công nghiệp ô tô, viễn thông và thương mại để tăng cường năng lực cạnh tranh. Cụ thể, hãng Renault sẽ đóng cửa nhà máy ở Douai. Hãng PSA Peugeot Citroen cũng đã lên kế hoạch đóng cửa nhà máy ở Seine-Saint-Denis (3.000 công nhân). 5.000 nhân viên của Công ty Bảo hiểm Néo Sécurité cũng đang lo lắng cho tương lai.
Để đối phó với tình trạng thất nghiệp tăng đều từ năm 1999, ông Hollande dự trù một loạt biện pháp, bao gồm tuyển dụng thêm công chức và hỗ trợ các xí nghiệp vừa và nhỏ. Ông hứa sẽ đưa thanh niên vào các xí nghiệp nhưng vẫn giữ lại người lớn tuổi. Cụ thể, ông sẽ tạo ra 150.000 việc làm trong tương lai.
Bình luận (0)