Cá mập Greenland là loại động vật có xương sống "thọ" nhất hành tinh này. Đó là kết quả của một cuộc nghiên cứu mới được trang National Geographic đăng tải.
Nhìn vào mắt cá mập
Người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, nhà sinh vật học Julius Nielsen của Trường ĐH Copenhagen (Đan Mạch) nói: "Ngay từ đầu, chúng tôi đã đoán chúng là loài vật trường thọ nhưng không ngờ chúng lại sống lâu tới thế". Một phần lý do khiến các nhà khoa học ngạc nhiên là vì cá mập Greenland sống ở nơi hẻo lánh nên vốn hiểu biết của con người về chúng còn rất hạn hẹp, bao gồm tuổi thọ.
Một con cá mập Greenland bơi gần mặt biển sau khi nó được thả ra từ tàu nghiên cứu Sanna ở Bắc Greenland. Ảnh: Julius Nielsen
Một số nghiên cứu trước đây đặt giả thuyết loài cá mập này phát triển cực kỳ chậm, mỗi năm chỉ dài thêm chưa tới 1 cm. Lớn chậm nên chúng sống lâu hơn các loài có xương sống khác là một suy luận nữa của các nhà khoa học.
Thông thường, xác định tuổi của một loài cá có xương không phải là chuyện khó khăn – chỉ cần phân tích sỏi tai của chúng. Nhưng cấu tạo của cá mập lại chủ yếu là sụn, không có loại mô cứng, vôi hóa nói trên. Do đó, các nhà khoa học tìm ra một cách khác để xác định tuổi của cá mập Greenland: Nhìn vào mắt chúng!
Trong suốt chương trình giám sát cá có giá trị thương mại của Viện Tài nguyên thiên nhiên Greenland, các nhà nghiên cứu phân tích 28 con cá mập cái đã chết trước đó. "Bí mật đằng sau sự thành công của nghiên cứu này là chúng tôi cơ hội xem xét cả cá mập trẻ và già, cỡ trung bình và cỡ lớn. Nhờ đó, chúng tôi có thể so sánh các dữ liệu" – ông Nielsen chia sẻ.
Các nhà khoa học xác định tuổi cá mập Greenland bằng cách phân tích mắt của chúng. Ảnh: Julius Nielsen
Với chiều dài 2 m, con cá mập tìm thấy ngoài khơi Greenland này còn khá "trẻ". Ảnh: Julius Nielsen
Mắt cá mập Greenland có một cấu trúc đặc biệt, với thủy tinh thể phát triển suốt cuộc đời chúng. Cá càng thêm tuổi, thủy tinh thể càng thêm nhiều lớp. Các nhà khoa học có thể tách tất cả các lớp trên cho đến khi họ chạm vào phần lõi (nhân) của thủy tinh thể - vốn bao gồm protein hình thành từ khi cá mập chỉ là cá con. Thành phần hóa học của nhân thủy tinh thể sẽ được phân tích để ước lượng tuổi của con cá.
Sinh con ở tuổi 156
Theo kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science vào tháng 8 năm ngoái, chỉ số các-bon phóng xạ trong nhân thủy tinh thể của 28 con cá mập Greenland kể trên chỉ ra thời gian sống tối thiểu của chúng là 272 năm.
Hiện chưa rõ lý do giúp cá mập Greenland trường thọ tới vậy song điều kiện môi trường lạnh giá nơi chúng sinh sống có thể là một phần nguyên nhân. Môi trường lạnh giá làm giảm nhiệt độ cơ thể chúng, từ đó khiến quá trình trao đổi chất chậm lại – đồng nghĩa với việc các mô của con vật ít bị tổn hại. Không chỉ vậy, cá mập cái Greenland được cho là đạt độ "chín muồi" về mặt giao phối khi cơ thể dài hơn 4 m, tức chúng bắt đầu sinh con đẻ cái ở... độ tuổi 156.
Cá mập Greenland bị bắt lên trong một cuộc khảo sát thường niên trong giai đoạn 2010- 2013. Ảnh: Julius Nielsen Julius Nielsen
Ảnh: Julius Nielsen
Chính vì chưa rõ số lượng của cá mập Greenland mà việc bảo tồn loài động vật đặc biệt này rất được chú trọng.Thỉnh thoảng chúng mắc vào lưới đánh cá, trở thành nạn nhân bất đắc dĩ. Tình trạng biến đổi khí hậu cũng có thể đe dọa cá mập Greenland, cộng với thực tế đáng lo ngại là ngày càng nhiều nước để mắt đến cá, dầu và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác của Bắc Cực.
Ông Aaron Fisk, nhà sinh thái học của Trường ĐH Windsor (Canada), nhấn mạnh: "Tuổi thọ khủng của cá mập Greenland rất ấn tượng song tôi hy vọng qua cuộc nghiên cứu này, công chúng cũng nhận ra tầm quan trọng của việc bảo tồn Bắc Cực cùng các hệ sinh thái biển sâu".
Chia sẻ quan điểm này, ông Nielsen cho biết thêm: "Nếu cá mập Greenland sống lâu tới thế và chỉ sinh sản khi chúng 150 tuổi thì số lượng loài này nhiều khả năng là ít ỏi. Chúng ta cần chú trọng điều này để bảo vệ chúng".
Một con cá mập Greenland ở vịnh Disko, phía Tây Greenland. Ảnh: Julius Nielsen
Cá mập Greenland là loại động vật có xương sống "thọ" nhất hành tinh này.
Bình luận (0)