Văn phòng cảnh sát biển Manila cho biết phà Kim Nirvana gặp nạn khi đang trên hải trình từ TP Ormoc tới đảo Camotes trưa 2-7, vài phút sau khi rời cảng.
Lực lượng cứu hộ đã tiếp cận hiện trường và xác định được 36 thi thể. 7 thuyền cứu sinh vớt được hàng chục hành khách còn sống đang bám vào thân phà.
Lực lượng cứu hộ nỗ lực cứu người sống sót. Ảnh: PHILIPPINE DAILY INQUIRER
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines tại hiện trường vụ lật phà. Ảnh: ABS-CBNnews.com
Một quan chức thuộc Cơ quan giảm trừ thiên tai TP Ormoc cho hay đội thợ lặn đang tìm kiếm các nạn nhân có thể còn mắc kẹt bên trong.
Đài phát thanh Manila đưa tin 21 người hiện vẫn mất tích. Tuy nhiên, vị quan chức nói trên cho rằng con số thương vong hoặc mất tích chưa được xác định chính xác.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cũng tham gia tìm kiếm và cứu hộ nhưng từ chối trả lời báo chí.
Hồi năm 1987, ở Philippines ghi nhận vụ phà Dona Paz va chạm với một tàu chở dầu, sau đó bị chìm. Đây là một trong những thảm kịch hàng hải tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới thời bình, cướp đi sinh mạng của hơn 4.300 người.
Trong khi đó, chính phủ Indonesia hôm 2-7 tạm hoãn cuộc tìm kiếm các nạn nhân trong vụ rơi máy bay quân sự Hercules C-130B, gặp nạn khi đang chở theo 122 người trên khoang và rơi xuống khu vực dân cư ở TP Medan hôm 30-6.
Quân đội Indonesia cho biết đã xác định được 135 người thiệt mạng (báo chí địa phương cho hay con số này là 141), bao gồm toàn bộ hành khách và phi hành đoàn trên chiếc máy bay. Theo phát ngôn viên quân sự Fuad Basya, lực lượng cứu hộ không tìm thấy bất cứ nạn nhân nào từ ngày 1-7 nên công việc tìm kiếm được xem như tạm hoàn thành.
Thảm kịch vừa xảy ra là vụ mới nhất làm ảnh hưởng đến lĩnh vực hàng không Indonesia và đánh động Tổng thống Joko Widodo cần xem lại phi đội máy bay già nua của quân đội nước này. Chiếc Hercules C-130B bị rơi nằm trong số các máy bay đã đi vào hoạt động cách đây 50 năm.
Không lực Indonesia đã mất tới 4 chiếc C-130B – loại máy bay vận tải đóng vai trò chủ lực trong quân đội. 8 chiếc C-130B còn lại đã được lệnh hạ cánh cho đến khi nguyên nhân vụ tai nạn được làm rõ.
Nghị sĩ T.B. Hasanuddin nêu ý kiến chính phủ cần sắm thêm thiết bị vận tải quân sự, đặc biệt là mua mới máy bay thay vì sử dụng phi đội hiện tại, dù chương trình tái vũ trang này khá tốn kém. Indonesia đang là nước có chi tiêu quân sự thấp nhất Đông Nam Á, chỉ chiếm 0,8 % GDP.
Ngoài ra, giới chức Indonesia cam kết điều tra cáo buộc nhiều hành khách dân sự đã trả một số tiền lớn để mua vé lên chuyến bay quân sự gặp nạn. Một bản sao danh sách mà AP tiếp cận được cho thấy có 32 hành khách không nằm trong số những người được lên máy bay. Số còn lại được mô tả là quân nhân hoặc người nhà quân nhân.
Bình luận (0)