Hôm 28-9, lưỡng viện Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép gia đình gần 3.000 nạn nhân vụ khủng bố 11-9-2001 khởi kiện. Hai cuộc bỏ phiếu của Thượng viện và Hạ viện cũng gạt bỏ quyết định phủ quyết trước đó của Tổng thống Barack Obama.
Tuần trước, ông chủ Nhà Trắng đã phủ quyết dự luật “Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố” (JASTA) sau khi nó được quốc hội Mỹ thông qua. Trả lời phỏng vấn đài CNN, nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng việc lật ngược phủ quyết của ông là điều sai lầm và có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
15/19 tên không tặc tham gia vụ khủng bố 11-9-2001 là công dân Ả Rập Saudi nhưng Riyadh phủ nhận vai trò của mình trong các cuộc tấn công.
Trong một tuyên bố hôm 29-9, Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi cho rằng luật mới này có thể tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia, kể cả Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi lật ngược phủ quyết của Tổng thống Obama, có vẻ các nhà làm luật của Mỹ đang suy nghĩ lại.
Theo Reuters, các lãnh đạo đảng Cộng hòa ở 2 viện quốc hội cho biết họ muốn cân nhắc lại luật trên, đồng thời đổ lỗi cho Tổng thống Obama không tham vấn đầy đủ cho họ.
Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell thừa nhận các nhà lập pháp có lẽ không nhận ra hậu quả tiềm năng của JASTA. “Mọi người đều biết ai sẽ được hưởng lợi từ luật này nhưng không để ý tới ảnh hưởng trong các mối quan hệ quốc tế của Mỹ” - ông McConnell nói.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng nói Quốc hội có thể phải chỉnh sửa luật JASTA để bảo vệ quân đội Mỹ nói riêng.
Tổng thống Obama và các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu từng cảnh báo nếu cho phép gia đình các nạn nhân vụ khủng bố 11-9-2001 kiện Ả Rập Saudi, các công ty, quân nhân và nhân viên tình báo Mỹ có thể đối mặt những vụ kiện tiềm năng ở nước ngoài.
Tuy nhiên, luật JASTA được đánh giá sẽ không ảnh hưởng lâu dài đến mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Ả Rập Saudi. Riyadh là một trong những đồng minh quan trọng và lâu đời nhất của Washington ở Trung Đông. Vương quốc này cũng là một phần của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đang chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.
Chuyên gia Thomas Lippman tại Viện Nghiên cứu Trung Đông cho biết quan hệ Mỹ - Ả Rập Saudi đã nhiều lần gặp sóng gió trong 70 năm qua. "Họ luôn cần nhau, bây giờ cũng vậy mà trước đây cũng vậy" - ông Thomas nói.
Bình luận (0)