Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện (SFRC) hôm 9-6, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách các vấn đề Nga, Ukraine và Âu-Á Michael Carpenter cho biết Moscow chiếm lợi thế về địa lý và thời gian nhưng đến năm 2017, Washington sẽ đủ sức bảo vệ các đồng minh của mình.
Cách đây 4 tháng, Tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu RAND suy đoán lực lượng Nga có thể triển khai đến những khu vực NATO đóng quân trong vòng 60 giờ. RAND cũng cảnh báo NATO không đủ khả năng bảo vệ các nước mà Nga dễ dàng tiếp cận nhất, trong đó có Estonia, Latvia và Lithuania ở vùng Baltic.
Giải pháp tối ưu lúc này, đó là NATO điều động 7 lữ đoàn bao gồm 3 lữ đoàn thiết giáp hạng nặng được không quân yểm trợ cùng với bộ binh để ngăn quân đội Nga.
Thượng nghị sĩ Cory Gardner đã hỏi ông Carpenter rằng cảnh báo của RAND hồi tháng 2 còn chính xác không và NATO đã chuẩn bị những gì để đối phó với các mối đe dọa, ông Carpenter trả lời: “Tôi tin vào cuối năm 2017, khi chúng tôi có một số lữ đoàn thiết giáp để bọc lót sườn phía Đông (châu Âu), chúng tôi sẽ (ngăn chặn được Nga)”.
Nhận xét của ông Carpenter đến vào giữa thời điểm Nga tập trung binh sĩ về phía Tây trong một động thái dường như đối chọi với NATO. Moscow cáo buộc sự hiện diện của liên minh quân sự này gần biên giới mình là một mối đe dọa về an ninh.
Nga cũng gấp rút thiết lập hệ thống phòng không kết hợp với tất cả đồng minh quân sự thuộc Liên Xô cũ. Nikolai Bordyuzha, người đứng đầu liên quân Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), cho biết: “Việc sáp nhập các hệ thống phòng không khu vực giúp chúng tôi tạo ra một hệ thống phòng không chung trên toàn bộ lãnh thổ CSTO”.
Ông Bordyuzha tiết lộ Nga, Belarus và Kazakhstan đang sở hữu hệ thống phòng không kết hợp. Thỏa thuận cho Armenia sáp nhập đang được Moscow và Yerevan xem xét.
Hồi tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Washington rằng Moscow sẽ cân nhắc các biện pháp để “chấm dứt các mối đe dọa” từ lá chắn phòng thủ tên lửa của NATO ở châu Âu, vốn được thiết kế dựa trên công nghệ tên lửa của Mỹ.
Đáp lại, NATO đang tham dự một cuộc tập trận ở Ba Lan nhằm củng cố sườn phía Đông của liên minh. Cuộc tập trận kéo dài 10 ngày, bao gồm 19 thành viên NATO và 5 quốc gia đối tác, mục đích đào tạo và kiểm tra khả năng phản ứng nhanh trước các mối đe dọa trên không, trên biển và trên đất liền.
Bình luận (0)