Theo chính phủ Nhật Bản, khoảng 2.000 khách mời, trong đó có đại diện đến từ 190 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế đã tham dự buổi lễ, cao hơn nhiều so với con số 160 khách mời tại buổi lễ đăng quang của cựu Nhật hoàng Akihito hồi tháng 11-1990. Đáng chú ý, trong thành phần khách mời có 15 nhà vua/quốc vương các nước, 7 hoàng thái tử, 3 đoàn là thành viên hoàng gia, 67 đoàn cấp tổng thống, 12 đoàn cấp phó tổng thống, 25 đoàn cấp thủ tướng… Đây được xem là một trong những sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế nhất mà Nhật Bản từng tổ chức.
Theo hãng tin Kyodo, chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực cân bằng các chi phí trong khi vẫn bảo đảm tính trang trọng của buổi lễ sau khi Nhật hoàng Naruhito và Thái thượng hoàng Akihito hy vọng các sự kiện liên quan sẽ được tổ chức với ngân sách vừa phải. "Chúng tôi đã tránh cắt giảm chi phí quá mức để duy trì chất lượng các sự kiện" - một quan chức cấp cao của Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản cho biết.
Một trong những biện pháp cắt giảm chi phí có thể thấy là chính phủ Nhật Bản không dựng sân khấu trong sân của Cung điện Hoàng gia cho lễ lên ngôi như trước đây, giúp tiết kiệm khoảng 300 triệu yen.
Người dân xem buổi lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito trên truyền hình tại TP Osaka Ảnh: Kyodo
Một trong những điểm thu hút tại buổi lễ là trang phục của Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako. Nhật hoàng Naruhito mặc chiếc áo choàng màu cam sẫm theo thiết kế có từ thế kỷ IX và chỉ dành cho các dịp đặc biệt. Trong khi đó, Hoàng hậu Masako mặc kimono màu trắng 12 lớp cầu kỳ, trên tay cầm chiếc quạt làm từ cây bách.
Tại buổi lễ, Nhật hoàng tuyên bố lên ngôi và ngồi lên ngai vàng Hoa cúc Takamikura cao 6,5 m, nặng khoảng 8 tấn, bên cạnh là thanh kiếm cổ và viên ngọc thiêng. Theo Reuters, đây là 2 trong số 3 báu vật tượng trưng cho tính hợp pháp của Hoàng đế. Báu vật thứ 3 là chiếc gương Yata-no-Kagami được lưu giữ tại Đại điện thờ Ise, nơi linh thiêng nhất của đạo Shinto ở Nhật Bản. Tuy nhiên, không có hình ảnh nào về 3 báu vật này được công bố cho đến giờ.
Nhiều người dân đã chờ tại cổng Cung điện Hoàng gia trong cơn mưa như trút nước, vẫy cờ Nhật Bản và chúc mừng Nhật hoàng Naruhito. Ngay trước thời điểm Nhật hoàng Naruhito đăng quang, người dân Nhật Bản hiếu kỳ trước 2 hiện tượng tự nhiên xuất hiện vào đúng ngày lễ trọng đại này. Theo tờ Japan Times (Nhật Bản), khoảng 13 giờ 15 phút (giờ địa phương), người dân thủ đô Tokyo không chỉ chứng kiến núi Phú Sĩ đón đợt tuyết rơi đầu tiên của mùa thu năm nay mà còn nhìn thấy một dải cầu vồng lớn hiện ra khá rõ nét.
Trên mạng xã hội, nhiều người Nhật Bản đã chia sẻ hiện tượng đáng chú ý nói trên. Không rõ đây có phải là hiện tượng tự nhiên xuất hiện ngẫu nhiên hay không nhưng phản ứng của người dân Nhật Bản cho thấy họ đặt nhiều kỳ vọng vào triều đại mới. Cũng nhân dịp sự kiện trọng đại này, chính phủ Nhật Bản đã ân xá 550.000 tù nhân.
Kỳ vọng vào sự đổi mới, cởi mở
Theo dõi lễ tường thuật trực tiếp lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito, chị Natsuki Uenishi (sinh sống tại cố đô Kyoto) cho biết đã mặc kimono đến nơi làm việc để chào mừng sự kiện trọng đại này. Trước đó, khi lễ đăng quang của cựu Nhật hoàng Akihito diễn ra, chị còn rất nhỏ nên không nhớ gì. Vì thế, chị Natsuki rất háo hức với lễ đăng quang của tân Nhật hoàng. Những người trẻ như Natsuki ở Kyoto cảm thấy hạnh phúc khi đất nước bước sang một thời đại mới. Hoàng hậu mới của Nhật Bản biết nhiều ngoại ngữ nên Natsuki kỳ vọng nhiều vào sự đổi mới, cởi mở và thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao với các nước.
Th.Nguyên (từ Nhật Bản)
Bình luận (0)