Hội đồng Bảo an đã đồng ý thông qua dự thảo nghị quyết do Mỹ trình lên. Hai nhà ngoại giao giấu tên của LHQ tiết lộ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thậm chí còn cứng rắn hơn so với lệnh trừng phạt Iran cũng liên quan tới chương trình hạt nhân.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power cho biết đây là lệnh trừng phạt cứng rắn nhất mà Bình Nhưỡng phải gánh chịu trong 2 thập kỷ trở lại đây, nhằm mục đích cắt đứt nguồn vốn để duy trì công nghệ hàng không, tên lửa và vũ khí của nước này.
Cùng ngày 2-3, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ ở Geneva - Thụy Sĩ, ông So Se Pyong, tuyên bố Triều Tiên không có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc song cần phải duy trì khả năng răn đe hạt nhân để đảm bảo ổn định trước những chính sách “thù địch” của Mỹ.
Sau cuộc bỏ phiếu, bà Power nói với Hội đồng Bảo an rằng hầu như tất cả nguồn lực của Triều Tiên đều dành cho việc theo đuổi các dự án sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt. Do vậy, công đoạn kiểm tra hàng hóa đến và đi từ Triều Tiên trên lãnh thổ các nước thành viên của Hội đồng Bảo an là rất quan trọng.
Trước đây, LHQ khuyến khích các thành viên Hội đồng Bảo an kiểm tra hàng hóa Triều Tiên nếu phát hiện có dấu hiệu phạm pháp. Nhưng hiện tại, tất cả hàng hóa “bắt buộc” phải bị kiểm tra.
Đại sứ Mỹ cho biết thêm dự thảo nghị quyết do Washington soạn thảo chỉ nhắm mục tiêu vào nhà lãnh đạo Kim Jong-un, không phải người dân Triều Tiên. Toàn bộ 16 cá nhân và 12 tổ chức được bổ sung vào danh sách đen của LHQ đều có liên quan tới chương trình hạt nhân Triều Tiên, bao gồm Cơ quan Phát triển Hàng không vũ trụ Quốc gia (NADA), đơn vị chịu trách nhiệm vụ phóng tên lửa ngày 7-2.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hoan nghênh kết quả bỏ phiếu và nhắc nhở “Bình Nhưỡng phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế của mình”. Trong khi đó, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ chưa đưa ra phản ứng.
Đại diện chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini thông báo họ sẽ nhanh chóng cập nhật cơ chế trừng phạt đối với Triều Tiên vào ngày 4-3.
Về phần mình, Đại sứ Trung Quốc Liu Jieyi kêu gọi nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân Triều Tiên song không quên nhắc lại mối lo ngại của Bắc Kinh đối với khả năng Mỹ lập hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc.
Ngay sau lệnh trừng phạt của LHQ, Mỹ đã bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Cụ thể, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ đưa thêm 11 cá nhân và 5 thực thể của Triều Tiên vào danh sách trừng phạt, trong đó có cả Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên (cơ quan quyền lực cao nhất theo hiến pháp của nước này).
Trong số các cá nhân bị đưa vào "danh sách đen" của Mỹ còn có ông Hwang Pyong-so, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Triều Tiên, nhân vật được xem là quyền lực thứ hai tại nước này.
Trước cuộc bỏ phiếu, Yonhap dẫn lời nhiều quan chức thuộc lĩnh vực tài chính của Trung Quốc cho biết các ngân hàng nước này tại TP Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh cđã ngừng chuyển đồng nhân dân tệ cho các ngân hàng của Triều Tiên.
Đan Đông được coi là địa bàn chính diễn ra các hoạt động giao thương Trung - Triều. Kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba vào năm 2013, các chi nhánh ngân hàng tại Đan Đông đã ngừng chuyển đồng USD cho các ngân hàng của Triều Tiên.
Bình luận (0)