Các chiến hạm và tàu ngầm của Anh và Mỹ hôm 19-3 đã tấn công hơn 20 hệ thống phòng không liên hợp cùng các cơ sở phòng không khác trên bờ biển của Libya bằng 112 tên lửa hành trình Tomahawk trong giai đoạn đầu tiên của một chiến dịch có tên gọi là Odyssey Dawn (Bình minh Odyssey). Chiến dịch này diễn ra sau khi máy bay chiến đấu Pháp thực hiện các cuộc không kích nhằm vào xe tăng, xe thiết giáp của quân đội Chính phủ Libya tại miền Đông nước này. Ngoài ra, máy bay của Anh cũng tham gia ném bom các mục tiêu ở nước này.
Binh sĩ thuộc phe Chính phủ Libya thiệt mạng sau một trận không kích của liên quân vào rạng sáng 20-3. Ảnh: REUTERS
Phòng không Libya thiệt hại nặng?
Đài CBS News (Mỹ) đưa tin 3 máy bay ném bom B-2 của Mỹ đã ném 40 quả bom xuống một sân bay lớn ở Libya vào rạng sáng 20-3. Cũng vào thời gian này, theo hãng tin AFP, một đợt ném bom vào khu vực gần cơ quan đầu não của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi ở thủ đô Tripoli. Trước đó, tiếng súng phòng không nổ suốt đêm 19-3 trên bầu trời thủ đô.
Phó đô đốc hải quân Mỹ William E.Gortney cho biết mục tiêu của giai đoạn này là ngăn các cuộc tấn công của lực lượng Libya vào quân nổi dậy và thường dân, đồng thời làm sụt giảm khả năng chống đối một vùng cấm bay của quân đội nước này. Các quan chức quốc phòng cho biết vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của chiến dịch. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng giấu tên nói với hãng tin AP rằng người Mỹ cảm thấy các hệ thống phòng không Libya đã bị thiệt hại nặng nề bởi các tên lửa hành trình đã đánh trúng mục tiêu.
Ngoài ra, báo The Washington Post (Mỹ) tiết lộ các vệ tinh do thám phương Tây đang giám sát chặt chẽ một nhà kho nhỏ ở một địa điểm hẻo lánh tại vùng sa mạc Libya sau các cuộc không kích của lực lượng liên quân. Theo bài báo, Chính phủ Libya đang giữ khoảng 10 tấn khí mù tạt tại nhà kho này, nằm ở phía Nam th ành phố Sirte. Giới chức phương Tây lo ngại nhà lãnh đạo Gaddafi có thể sử dụng chất độc này để giết một lượng lớn người dân của mình.
Đài truyền hình Libya cho biết các cuộc không kích của phương Tây tại một số thành phố nước này đã làm 64 người thiệt mạng và 150 người bị thương tại “những khu vực thường dân”, trong đó phần lớn nạn nhân là trẻ em. Bản tin này cho biết thủ đô Tripoli và những thành phố Sirte, Benghazi, Misrata và Zuwarah là những nơi bị tấn công.
Tương tự, Chủ tịch Quốc hội Libya Abul Qasim al-Zuai cho biết các cuộc không kích của phương Tây đã gây thiệt hại lớn cho người dân và cơ sở hạ tầng của nước này. Những thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng. Các cuộc không kích của các nước phương Tây đã đè bẹp hệ thống phòng thủ của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và các máy bay chiến đấu của liên quân quần thảo trên bầu trời Libya hôm 20-3. Theo hãng tin Reuters, điều đó đã khiến thành phố Benghazi thoát khỏi sự vây hãm của quân chính phủ và cho phép phe nổi dậy giành lại vùng đất đã mất. Ít nhất 14 binh sĩ tử vong.
Nhiều cứ điểm quân sự và dân sự của Chính phủ Libya bị cháy vì trúng tên lửa, đạn của liên quân (ảnh lớn) và sơ đồ các mục tiêu tại Libya mà liên quân vạch kế hoạch tấn công. Ảnh: REUTERS
Libya lên án “cuộc xâm lược thực dân”
Trong khi đó, phản ứng sau các cuộc tấn công của lực lượng liên quân Pháp, Anh và Mỹ, nhà lãnh đạo Gaddafi tuyên bố Địa Trung Hải đã biến thành “chiến trường”, Libya sẽ đánh trả và chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài; đồng thời cho biết sẽ trang bị vũ khí cho người dân để đối phó với “cuộc xâm lược thực dân” của phương Tây. Trong động thái trả đũa đầu tiên, Chính phủ Libya hôm 20-3 quyết định ngưng hợp tác với Liên hiệp châu Âu trong cuộc chiến chống lại tình trạng nhập cư trái phép sau khi lực lượng liên quân tấn công nước này.
Trong lúc này, hành động can thiệp quân sự của phương Tây vào Libya tiếp tục nhận được sự ủng hộ của một số nước. Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha thông báo nước này đã gửi 4 máy bay chiến đấu F-18 và một máy bay tiếp liệu đến Ý để tham gia chiến dịch quân sự ở Libya từ ngày 20-3. Ngoài ra, một tàu khu trục F-100, một tàu ngầm S-74 và một máy bay giám sát hàng hải CN-235 cũng sẽ được triển khai để giúp thực thi lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya sau khi động thái này được sự phê chuẩn của quốc hội.
Trong khi đó, Thủ tướng Qatar Sheikh Hamad bin Jassim al-Thani cho biết nước này sẽ tham gia hành động quân sự ở Libya nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu ở đó. Trước đó, theo hãng tin Reuters, các nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc cho biết Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Ả Rập Saudi và Jordan nằm trong số những thành viên Liên đoàn Ả Rập sẵn sàng tham gia thực thi một vùng cấm bay.
Nhật Bản hôm 20-3 cũng lên tiếng ủng hộ hành động quân sự vào Libya của lực lượng đa quốc gia theo nội dung nghị quyết Liên Hiệp Quốc.
Lá chắn sống ở Tripoli
Ngay khi phương Tây can thiệp quân sự vào Libya, một nhóm phóng viên quốc tế đã được đưa đi thăm doanh trại quân đội Bab al-Aziziya, nơi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi sống, tại Tripoli. Ở đó, hàng ngàn người ủng hộ ông tự đem thân mình làm thành một rào chắn sống để bảo vệ nơi này.
Theo báo The New York Times (Mỹ), đám đông này gồm nhiều phụ nữ, trẻ em và một số người nói rằng họ có người thân trong lực lượng của Gaddafi. Họ cho biết họ đến đây để bảo vệ nơi ở của ông khỏi bị đánh bom bằng cách tình nguyện làm khiên chắn, rào cản. Bà Ghazad Muftah, 52 tuổi, nói: “Nếu họ muốn tấn công Muammar Gaddafi, họ phải đánh chúng tôi vì tất cả chúng tôi là Muammar Gaddafi”. |
Bình luận (0)