Thủ lĩnh các phong trào vũ trang nhiều ảnh hưởng ở Libya và Yemen đã kêu gọi Nga can thiệp để giải quyết cuộc khủng hoảng đang tàn phá đất nước mình.
Tranh giành quyền lực
Ông Ahmed al-Mesmari, người phát ngôn Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự xưng, hôm 8-8 cho rằng sự hỗ trợ của Nga là cần thiết để lực lượng này trang bị vũ khí tốt hơn, từ đó đánh bại đối thủ và hình thành một chính phủ thống nhất. LNA hiện do tướng Khalifa Haftar đứng đầu và là một trong hai phe phái đang tìm cách giành quyền kiểm soát đất nước.
Libya và Nga có mối quan hệ quân sự mạnh mẽ thời nhà lãnh đạo lâu năm Muammar al-Gaddafi trước khi nổ ra cuộc nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn năm 2011. Lệnh cấm bán vũ khí cho lực lượng vũ trang Libya được cộng đồng quốc tế đưa ra sau đó.
Cái chết của ông Gaddafi theo sau chiến dịch quân sự của phương Tây đã kéo theo sự tranh giành quyền lực gây chia rẽ đất nước và làn sóng nổi dậy mới của các tay súng Hồi giáo, như nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Uy tín của ông Haftar, một cựu lãnh đạo quân sự thời ông Gaddafi, đã gia tăng nhờ những chiến thắng trước các tay súng thánh chiến thời gian qua.
LNA hiện đại diện cho chính phủ được lập ra sau cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2014 và hiện đóng TP Tobruk ở miền Đông đất nước. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc đang hậu thuẫn chính phủ đoàn kết dân tộc do ông Fayez al-Sarraj đứng đầu và đóng tại thủ đô Tripoli ở miền Tây.
Các cường quốc đã nỗ lực tìm giải pháp hòa giải cho 2 chính phủ này, trong đó Nga cam kết đóng vai trò hàng đầu. Sau khi chứng kiến hành động can thiệp quân sự của Nga giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang giành lại lãnh thổ từ tay quân nổi dậy, ông Ahmed al-Mesmari cho rằng sự ủng hộ của Moscow sẽ giúp ích cho họ.
Trang Newsweek đánh giá sau chiến thắng quân sự ở Syria, Nga có thể tìm cách tăng cường hơn nữa sự hiện diện tại khu vực này và Libya có thể là một lựa chọn. Moscow hiện vẫn duy trì liên lạc với cả 2 chính phủ nhưng lại tìm cách "ve vãn" ông Haftar trong nỗ lực giảm bớt ảnh hưởng của chính phủ ở Tripoli đang được phương Tây hậu thuẫn.
Uy tín của tướng Khalifa Haftar (giữa) đã gia tăng nhờ những chiến thắng trước các tay súng thánh chiến ở Libya thời gian qua Ảnh: REUTERS
Cơ hội của Moscow
Lời kêu gọi Nga giúp đỡ cũng đến từ Yemen, nơi đang rơi vào bất ổn theo sau một loạt biến cố chính trị. Đất nước này bị tàn phá nặng nề và rơi vào khủng hoảng nhân đạo tồi tệ kể từ khi liên quân do Ả Rập Saudi phát động chiến dịch quân sự nhằm vào phiến quân Houthi để đưa Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi trở lại nắm quyền.
Vào tháng rồi, ông Mahdi al-Mashat, chủ tịch Hội đồng Chính trị Tối cao thân Houthi, đã viết thư gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo đó bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ song phương và hy vọng Moscow đóng vai trò hàng đầu trong nỗ lực ngăn các cuộc tấn công của liên quân nói trên và chấm dứt khủng hoảng nhân đạo. Lá thư trên được gửi đi trong bối cảnh lực lượng trung thành với ông Hadi tấn công thành phố cảng al-Hodeidah với sự hỗ trợ của liên quân.
Nga cho đến giờ không can thiệp vào tình hình Yemen nhưng hồi tháng 6 cảnh báo rằng chiến dịch quân sự ở al-Hodeidah sẽ gây ra hậu quả tàn khốc cho toàn bộ Yemen. Ngoài ra, Moscow còn cản trở Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lên án Iran vì cáo buộc cung cấp vũ khí cho Houthi. Cả Nga, Iran và Houthi đều bác bỏ cáo buộc này.
Những gì xảy ra tại Libya và Yemen nêu bật những dư chấn tồi tệ từ sự kiện "Mùa xuân Ả Rập năm 2011". Sự bùng nổ của làn sóng nổi dậy và biểu tình phản đối chưa từng có đã góp phần khiến một số nhà lãnh đạo ở Trung Đông và Bắc Phi đã bị lật đổ. Kéo theo đó là tình trạng bất ổn và hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài mà hậu quả vẫn chưa được khắc phục tại một số nước cho đến giờ. Dù vậy, đây lại là cơ hội để Nga theo đuổi một hướng tiếp cận tham vọng hơn tại Trung Đông để thách thức sự thống trị của Mỹ và phương Tây ở đó.
Hiện chưa rõ Nga phản hồi những lời kêu gọi trên ra sao nhưng những gì xảy ra tại Syria báo hiệu một hiện thực u ám đang chờ đón Libya và Yemen ngay cả khi Moscow can thiệp thành công. Tại hội nghị diễn ra ở Lebanon hôm 8-8, Liên Hiệp Quốc cho biết xung đột kéo dài hơn 7 năm ở Syria khiến nước này thiệt hại hơn 388 tỉ USD. Ngoài ra, hơn phân nửa dân số Syria (trước khi xảy ra nội chiến) đã chạy khỏi đất nước hoặc buộc phải rời bỏ nhà cửa do súng đạn chiến tranh.
Bình luận (0)