Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm 29-4 cho rằng quyết định từ bỏ chương trình hạt nhân thông qua con đường ngoại giao của Libya cách đây khoảng 15 năm là hình mẫu cho nỗ lực buộc Triều Tiên làm điều tương tự. Dù vậy, quan chức này thừa nhận đây không phải là sự so sánh hoàn hảo, một phần vì chương trình hạt nhân của Libya nhỏ hơn nhiều.
Thông điệp sai
Ngoài ra, theo tờ The New York Times, chưa chắc Triều Tiên sẽ chịu "noi gương" Libya bởi "vết xe đổ giải giáp hạt nhân" của nước này. Năm 2011, chính quyền nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ bởi quân nổi dậy được hậu thuẫn từ các cuộc không kích và vũ khí của phương Tây. Bình Nhưỡng thường xuyên viện dẫn số phận bi thảm của Tổng thống Iraq Saddam Hussein - bị treo cổ năm 2006 sau khi chính phủ của ông bị lật đổ trong cuộc tấn công do Mỹ đứng đầu 3 năm trước đó - và đại tá Gaddafi (bị sát hại năm 2011) như là bằng chứng của việc phải có vũ khí hạt nhân trong tay.
Lập trường trên nêu bật những thách thức Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Bolton đối mặt nếu họ muốn thuyết phục Triều Tiên đi theo con đường của Libya tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Bình Nhưỡng phát triển kho vũ khí hạt nhân với mục đích bảo đảm an ninh trước nguy cơ xảy ra hành động can thiệp như từng xảy ra với Libya. Đó là lý do Triều Tiên nhấn mạnh Mỹ phải cam kết không xâm lược nước này như là một phần của bất kỳ thỏa thuận nào.
"Tôi đã nghe trực tiếp từ Trung Quốc rằng Triều Tiên không có niềm tin đối với mô hình Libya. Vì thế, sự kết hợp của mô hình này và kịch bản chính quyền ông Trump xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ phát đi thông điệp sai đến ông Kim Jong-un và ảnh hưởng tiêu cực đến chuyện đàm phán" - ông Antony J. Blinken, từng là thứ trưởng ngoại giao thời Tổng thống Barack Obama, lo ngại.
Hệ thống loa tuyên truyền của Hàn Quốc ở biên giới với Triều Tiên được tháo dỡ sau thành công của hội nghị thượng đỉnh giữa 2 bên Ảnh: AP
Các chuyên gia cũng cho rằng Libya và Triều Tiên là 2 câu chuyện hoàn toàn khác nên việc so sánh không giúp ích gì nhiều cho cuộc gặp dự kiến giữa hai ông Trump và Kim Jong-un. "Libya hầu như không có chương trình vũ khí hạt nhân. Trái lại, Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và cơ sở sản xuất hạt nhân. Việc kiểm chứng Bình Nhưỡng đang sở hữu gì và dỡ bỏ toàn bộ chúng có thể mất nhiều năm" - ông Robert J. Einhorn, chuyên gia tại Viện Brookings (Mỹ), đánh giá.
Cơ hội thật sự
Trong lúc loay hoay với bài toán thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, Mỹ lại đang đối mặt sức ép nới lỏng trừng phạt Bình Nhưỡng ngay cả trước khi nước này có bất kỳ nhượng bộ đáng kể nào. Sau cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn tại cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27-4, ông Kim Jong-un còn có kế hoạch mời phóng viên nước ngoài đến chứng kiến việc đóng cửa cơ sở thử hạt nhân chính của Triều Tiên - theo người phát ngôn của ông Moon.
"Đề nghị đóng cửa địa điểm thử hạt nhân chính trước mắt mọi người có thể làm bầu không khí thêm tích cực và thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với "sự chân thật" của Triều Tiên. Điều này trao cho ông Kim Jong-un thêm sức mạnh mặc cả trước khi gặp ông Trump" - ông Namkoong Young, chuyên gia về chính trị liên Triều tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hankuk (Hàn Quốc), nhận định với trang Bloomberg.
Dù vậy, chính quyền ông Trump cho đến giờ vẫn tỏ ra cứng rắn trong lúc Trung Quốc dường như đang nới lỏng trừng phạt Triều Tiên còn Tổng thống Moon để ngỏ khả năng Seoul hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng tại cuộc gặp ông Kim Jong-un. Trả lời phỏng vấn đài Fox News, ông Bolton cho rằng Mỹ chưa sẵn sàng nới lỏng trừng phạt hoặc đề nghị những nhượng bộ khác với Triều Tiên. Theo ông, chính quyền ông Trump không mơ mộng hão huyền trước những hứa hẹn mới nhất của ông Kim Jong-un. Ngoài ra, tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều không nhất thiết đồng nghĩa Mỹ sẽ đưa khí tài quân sự ra khỏi khu vực.
Tỏ ra lạc quan hơn, tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tin rằng có cơ hội thật sự cho 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đạt thỏa thuận tại cuộc gặp sắp tới. Trả lời đài ABC News hôm 29-4, ông Pompeo nói chuyến đi Bình Nhưỡng bí mật gần đây của ông nhằm bàn với nhà lãnh đạo Triều Tiên về những vấn đề hai bên có thể tìm được tiếng nói chung tại hội nghị thượng đỉnh.
Bình luận (0)