xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lịch sử Hàn Quốc sang trang

HOÀNG PHƯƠNG

Bà Park Geun-hye vẫn im lặng sau khi số phận chính trị của bà bị định đoạt bởi phán quyết của Tòa án Hiến pháp

Bà Park Geun-hye hôm 10-3 chính thức bị bãi nhiệm chức tổng thống Hàn Quốc sau khi Tòa án Hiến pháp phê chuẩn quyết định luận tội bà của quốc hội.

Sau bãi nhiệm là ra tòa?

Theo Yonhap, bà Park bị cáo buộc cho phép người bạn thân Choi Soon-sil can thiệp vào các vấn đề quan trọng của quốc gia dù bà Choi không đảm nhận vị trí nào trong chính phủ. Chưa hết, tổng thống bị phế truất còn “thông đồng với bà Choi trong việc moi tiền và những hậu đãi” từ các tập đoàn hàng đầu, như Samsung Group. Một cáo buộc khác là bà Park lơ là nhiệm vụ trong lúc xảy ra thảm họa chìm phà Sewol năm 2014, khiến hơn 300 người thiệt mạng.


Một người ủng hộ bà Park Geun-hye nằm trước cảnh sát chống bạo động trong cuộc biểu tình gần Tòa án Hiến pháp ở Seoul hôm 10-3 Ảnh: Reuters

Một người ủng hộ bà Park Geun-hye nằm trước cảnh sát chống bạo động trong cuộc biểu tình gần Tòa án Hiến pháp ở Seoul hôm 10-3 Ảnh: Reuters

Dù bà Park khẳng định không làm gì sai nhưng Tòa án Hiến pháp không nghĩ thế. “Những hành động vi phạm hiến pháp và luật pháp của tổng thống đã phản bội niềm tin của người dân và là những hành động nghiêm trọng đến mức không thể được dung thứ...” - quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Lee Jung-mi đọc phán quyết. Không chỉ trở thành nhà lãnh đạo dân cử đầu tiên bị bãi nhiệm, bà Park giờ đây còn đối mặt với cuộc điều tra hình sự về những cáo buộc nói trên do không còn quyền miễn trừ. Các công tố viên đã xác định bà là đồng phạm trong vụ bê bối nên người phụ nữ 65 tuổi này khó tránh nguy cơ bị thẩm vấn và ngồi tù nếu bị đưa ra xét xử và kết tội.

Phán quyết trên được kỳ vọng giúp Hàn Quốc vượt qua được một trong những giai đoạn nhiều biến động nhất trong vài thập kỷ qua khi hàng triệu người xuống đường biểu tình đòi điều tra những lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp hùng mạnh nhất nước. Các công tố viên đã truy tố khoảng 40 người cho đến giờ, trong đó có người thừa kế sáng giá Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong.

Chưa dễ hàn gắn rạn nứt

Dù vậy, sự chia rẽ sâu sắc trong lòng quốc gia Đông Á này không dễ được hàn gắn trong ngày một ngày hai. Điều này thể hiện rõ qua các cuộc đụng độ giữa 2 phe ủng hộ và phản đối bà Park ở gần tòa án sau phán quyết, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng. Trong khi đó, cảnh sát chống bạo động phải sử dụng xe buýt để kiềm chế đám đông biểu tình trong lúc dựng rào chắn bên ngoài dinh tổng thống, nơi bà Park vẫn còn bên trong.

Người phát ngôn Nhà Xanh cho các phóng viên biết bà Park không đưa ra phát biểu công khai nào trong ngày 10-3. Theo tờ Korea Times, một số chính trị gia đã thúc giục bà Park lên tiếng chấp nhận phán quyết với hy vọng xoa dịu những người ủng hộ đang giận dữ và giúp đất nước đoàn kết trở lại. Giờ đây, sự im lặng này có thể được hiểu là bà vẫn chưa chấp nhận phán quyết.

Nhìn một cách lạc quan hơn, theo trang Bloomerg, phán quyết của Tòa án Hiến pháp có thể cho phép các nhà hoạch định chính sách tập trung nhiều hơn vào nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, mối đe dọa từ nước láng giềng Triều Tiên và quan hệ căng thẳng với Trung Quốc vì kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Đây dự kiến là những vấn đề sẽ bao trùm chiến dịch tranh cử bận rộn để tiến tới cuộc bầu cử tổng thống mới (phải diễn ra trong vòng 60 ngày nữa). Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC) hôm 10-3 bắt đầu nhận đơn đăng ký của các ứng viên tổng thống. Bộ Nội vụ cũng thông báo sẽ nhanh chóng ấn định ngày bầu cử và cam kết sự kiện này diễn ra công bằng.

Không bỏ qua cơ hội thu hút cử tri, các ứng viên tổng thống tiềm tàng của phe đối lập kêu gọi khôi phục sự đoàn kết quốc gia. Ông Moon Jae-in, ứng viên hàng đầu của Đảng Dân chủ đối lập, cho rằng phán quyết thể hiện rõ điều khoản đầu tiên của hiến pháp, theo đó “Cộng hòa Hàn Quốc là một nền cộng hòa dân chủ” và “chủ quyền của Cộng hòa Hàn Quốc nằm trong tay người dân và mọi quyền lực của nhà nước đều bắt nguồn từ người dân”.

Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy các ứng viên thuộc Đảng Dân chủ đang dẫn đầu cuộc đua. Đảng này sẽ tiến hành đại hội đảng toàn quốc vào tháng tới để chọn ứng viên chính thức. Trong khi đó, Đảng Hàn Quốc Tự do của bà Park (trước đây là Đảng Saenuri) vẫn chưa có ứng viên nào ra mặt.

Chính trường đổi chiều

Chính trường Hàn Quốc thời hậu Park Geun-hye dự kiến sẽ ngả về phe đối lập vốn chủ trương xích gần hơn với Triều Tiên và hòa dịu hơn với Trung Quốc. Theo tờ The New York Times, các thủ lĩnh đối lập tuyên bố sẽ xem xét lại chiến lược chung của Seoul và Washington đối với Bình Nhưỡng cũng như hạ nhiệt căng thẳng với Bắc Kinh. Thậm chí, Chủ tịch Đảng Dân chủ đối lập chính tại Hàn Quốc Choo Mi-ae hôm 10-3 còn nhấn mạnh các chính sách an ninh và ngoại giao gây tranh cãi do bà Park Geun-hye thúc đẩy cần phải bị ngừng ngay lập tức.

Theo đài ABC, việc định đoạt số phận của bà Park Geun-hye rõ ràng là vấn đề nội bộ của Hàn Quốc song cũng được Trung Quốc theo sát. Mối quan tâm của Bắc Kinh tập trung chủ yếu vào chuyện triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc - vốn được chính phủ của bà Park ủng hộ. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gấp rút đưa THAAD tới để có thể lắp đặt trước cuộc bầu cử tổng thống mới ở Hàn Quốc. Có thể hiểu được sự gấp rút này bởi nhân vật được cho là ứng viên số 1 của ghế tổng thống - ông Moon Jae-in, cựu lãnh đạo Đảng Dân chủ - muốn tạm ngưng triển khai THAAD để quốc hội xem xét thêm.

Áp lực về kinh tế cũng không hề nhỏ đối với người kế nhiệm bà Park khi phải “thừa hưởng” không ít thách thức, như nợ hộ gia đình Hàn Quốc lên mức kỷ lục 1.344.300 tỉ won (tương đương 1.170 tỉ USD). Nỗi lo khác đến từ 2 đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ. Sự trả đũa kinh tế của Bắc Kinh nhằm vào Seoul vì vấn đề THAAD là mối đe dọa hàng đầu đối với tăng trưởng của kinh tế Hàn Quốc - phân nửa GDP nước này đến từ xuất khẩu mà Trung Quốc lại là trị trường xuất khẩu lớn nhất. Du khách Trung Quốc cũng chiếm một nửa lượng du khách nước ngoài tới thăm Hàn Quốc năm 2016. Ngoài ra, lãnh đạo sắp tới của Hàn Quốc sẽ phải đàm phán với chính quyền ông Trump về thặng dư thương mại và khả năng tái thương thảo hiệp định thương mại song phương.

Tuy vậy, nỗi lo trước mắt của đất nước kim chi là tình trạng “khẩn cấp” quốc gia khi không có tổng thống, theo cách gọi của quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn. Ông Hwang hôm 10-3 kêu gọi các bộ trưởng đặt quốc gia vào tình trạng sẵn sàng quân sự. Trong khi đó, Yonhap dẫn lời một quan chức cho hay Bộ Quốc phòng và Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân yêu cầu tất cả binh lính nâng cao giám sát và cảnh giác trước Triều Tiên. Thu Hằng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo