Hai vị trí phó tổng thống thứ nhất và thứ hai lần lượt thuộc về tướng về hưu Myint Swe (64 tuổi, ứng viên phe quân đội) và ông Henry Van Thio (58 tuổi, do NLD đề cử).
Ngay sau khi phát ngôn viên quốc hội Mann Win Khaing Than thông báo ông Htin Kyaw trở thành tổng thống thứ chín của Myanmar, bà Suu Kyi vỗ tay và mỉm cười nhưng không đưa ra bình luận. Phát biểu ngắn gọn tại họp báo, ông Htin Kyaw nói: “Đây là chiến thắng cho người dân của quốc gia này. Tôi đã trở thành tổng thống nhờ sự thiện chí và lòng nhân hậu của người chị Aung San Suu Kyi”.
Giới phân tích nhận định quyền lực thực sự sẽ nằm trong tay bà Suu Kyi một khi chính phủ mới tiếp quản nhiệm vụ từ tổng thống sắp mãn nhiệm Thein Sein vào ngày 1-4 tới. Các chuyên gia cảnh báo nhà lãnh đạo và chính phủ các nước có thể liên lạc trực tiếp với bà Suu Kyi khiến vai trò của ông Htin Kyaw bị lu mờ.
Theo Reuters, bà Suu Kyi muốn phi quân sự hóa chính trường Myanmar song muốn làm vậy, bà lại phải nhận được sự hỗ trợ từ chính quân đội. Lực lượng này vẫn nắm 1/4 số ghế (tương đương 166 ghế, thêm 41 ghế do Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển được quân đội hậu thuẫn nắm giữ) tại quốc hội trong khi Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar - ông Min Aung Hlaing - có quyền chỉ định và kiểm soát trực tiếp các bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quốc phòng và An ninh biên giới. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp và tập đoàn quốc phòng có quan hệ gần gũi với chính quyền ông Thein Sein vẫn có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế Myanmar.
Theo giới phân tích, để thực sự làm chủ chính trường, bà Suu Kyi trước mắt phải cho người dân, đặc biệt là bộ phận công chức, thấy tương lai của Myanmar thuộc về NLD. Từ đó, bà dần thay đổi nhận thức của quân đội, trấn an họ rằng chính phủ mới sẽ không trả thù để họ chấp nhận giảm vai trò trong các vấn đề quốc gia.
Song song đó, bà Suu Kyi cùng ông Htin Kyaw phải giải quyết tình trạng thu nhập thấp và quản lý dòng vốn đầu tư sau nhiều thập kỷ tăng trưởng trì trệ, kèm theo vấn đề xung đột vũ trang ở các khu vực biên giới.
Bình luận (0)