Căng thẳng giữa Nga với Lithuania đã âm ỉ kể từ khi Lithuania trở thành nước cộng hòa đầu tiên tách khỏi Liên Xô và trở thành một nước độc lập vào năm 1990, dù chỉ có 6% dân số nói tiếng Nga, ít hơn rất nhiều ở các nước láng giềng vùng Baltic.
Đến ngày 1-1-2015, Lithuania dự kiến trở thành nước Baltic cuối cùng gia nhập khu vực đồng euro (Eurozone) với hy vọng điều này sẽ cải thiện hoạt động đầu tư và nhận được các khoản vay chi phí thấp để vực dậy một trong những nền kinh tế nghèo nhất song lại phát triển nhanh nhất châu Âu, tương tự như Estonia và Latvia.
Động thái của Nga đối với Ukraine khiến các nước vùng Baltic lo ngại mình có thể là mục tiêu kế tiếp. Ảnh: NY TIMES
Cả 3 nước nói trên đều cảnh giác trước những bước đi của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine do lo ngại mình có thể là mục tiêu kế tiếp. Khi Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite tuyên bố viện trợ quân sự cho Ukraine hồi tháng 11, Nga đã đáp trả bằng cách siết chặt thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu hai nước.
Hiện số lượng xe của Lithuania qua lại biên giới 2 nước giảm mạnh. Nhiều xe phải đợi đến 48 giờ trong điều kiện giá rét mới vào được vùng Kaliningrad của Nga hoặc trở về nước. “Trước đây việc này chỉ mất một vài giờ nhưng giờ nó chẳng khác nào phim kinh dị” – một người dân tên Lionius Medelis cho biết.
Chưa hết, trong tháng này Nga bất ngờ tiến hành tập trận tại Kaliningrad với sự tham gia của 9.000 binh sĩ và 55 tàu. Ngoài ra, NATO cho biết đã huy động máy bay trên 150 lần để đối phó với máy bay Nga trên bầu trời Baltic trong năm nay, nhiều gấp 3 lần năm ngoái.
Mục đích của những hành động trên có thể là để kéo Lithuania trở lại quỹ đạo của Nga nhưng giới phân tích cho rằng chúng dường như phản tác dụng.
Bình luận (0)