Theo một số đoạn tin nhắn bị hack trộm vào tháng 4-2017, giới chức Qatar dường như đã bằng lòng trả tổng cộng 275 triệu USD để giải cứu 9 thành viên hoàng gia và 16 công dân Qatar bị bắt cóc trong lúc đi săn tại miền Nam của Iraq.
Những đoạn tin nhắn này lần đầu tiên hé lộ kế hoạch chuyển thêm 150 triệu USD tiền mặt cho các cá nhân và nhóm trung gian vốn bị giới chức Mỹ xem là các tổ chức tài trợ khủng bố quốc tế, bao gồm Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IIRGC) và Kata'ib Hezbollah – một nhóm bán quân sự Iraq có liên quan đến hàng loạt cuộc tấn công đẫm máu nhắm vào binh sĩ Mỹ trong suốt chiến tranh Iraq.
Trước đó, Qatar từng nhiều lần phủ nhận thông tin họ chuyển tiền cho các tổ chức khủng bố để đạt được thỏa thuận giải cứu con tin.
Trong lá thư gửi tờ New York Times vào tháng rồi, Đại sứ Qatar tại Mỹ nhấn mạnh rằng "Qatar không trả tiền chuộc con tin".
"Thông tin nói rằng Qatar thực hiện các hoạt động tiếp tay cho khủng bố là sai trái" – Đại sứ Sheikh Meshal bin Hamad al-Thani viết.
Ông Sheikh Meshal bin Hamad al-Thani. Ảnh: Al Jareeza
Lá thư này tuy không phủ nhận nghi vấn Qatar chuyển tiền để kết thúc khủng hoảng con tin nhưng cho biết rằng những người nhận là giới chức chính phủ Iraq liên quan đến một kế hoạch nhằm "củng cố quan hệ song phương và đảm bảo những nạn nhân bị bắt cóc được trả tự do an toàn".
Tuy nhiên, những đoạn hội thoại và tin nhắn bị hack trộm cho thấy một câu chuyện phức tạp hơn. Chúng cho thấy giới chức ngoại giao cấp cao Qatar dường như đồng ý chi trả hàng loạt khoản phụ 5-50 triệu USD cho giới chức Iran, Iraq và giới lãnh đạo tổ chức bán quân sự. Trong số đó, 25 triệu USD được chuyển cho lãnh đạo Kata'ib Hezbollah và 50 triệu USD được chuyển cho lãnh đạo IIRGC Qassem Soleimani – một nhân vật quan trọng trong thỏa thuận con tin.
"Các ông sẽ nhận được tiền sau khi chúng tôi nhận được người của chúng tôi" – Đại sứ Khayareen khẳng định trong tin nhắn gửi một quan chức cấp cao của nhóm Kata'ib Hezbollah hồi tháng 4-2017.
Giới chức Qatar đã từ chối bình luận về các vấn đề liên quan đến những tin nhắn bị hack trộm.
Tuy nhiên, một quan chức Trung Đông cấp cao giấu tên khẳng định những khoản tiền nói trên được một số người đàm phán đề xuất nhưng cuối cùng đã bị từ chối. Vị quan chức này còn nhấn mạnh rằng một vài tin nhắn dường như đã bị chỉnh sửa nhằm gây hiểu lầm.
Bình luận (0)